Gần 3.000 người bị tước giấy phép lái xe trong ngày 29/4
(ĐCSVN) - Gần 3.000 người bị tước giấy phép lái xe trong ngày thứ 3 nghỉ dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5; Nhiều địa phương bị ảnh hưởng bởi nắng nóng đặc biệt gay gắt; Ít nhất 42 người thiệt mạng trong vụ vỡ đập tại Kenya;… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (29/4).
Gần 3.000 người bị tước giấy phép lái xe trong ngày thứ 3 dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5
Ngày thứ 3 kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã xử lý 15.541 trường hợp, phạt 35 tỷ 136,4 triệu đồng, tước 2.929 Giấy phép lái xe các loại.
Thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, ngày 29/4, toàn quốc xảy ra 85 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38 người, bị thương 72 người, các vụ đều xảy ra trên đường bộ.
Trong ngày thứ 3 của kỳ nghỉ Lễ, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 15.541 trường hợp; ra quyết định xử phạt 35 tỷ 136,4 triệu đồng; tước 2.929 giấy phép lái xe (GPLX) các loại; tạm giữ 485 ôtô, 5.644 môtô và 97 phương tiện khác.
Đường thủy nội địa xử lý 132 trường hợp, ra quyết định xử phạt 135 triệu đồng.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện, xử lý 6 trường hợp vi phạm trên đường sắt, phạt tiền 1 triệu đồng.
Cảnh sát Giao thông Thành phố Hà Nội phân luồng đảm bảo trật tự ATGT trong dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5. (Ảnh: Văn Huế). |
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho biết, tại Thành phố Hà Nội và các địa phương giáp ranh, tình hình trật tự ATGT trong ngày được đảm bảo, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài và tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tại các cửa ngõ ra vào thành phố và các tuyến cao tốc, lưu lượng phương tiện di chuyển bình thường, ổn định; tại một số tuyến lưu lượng giao thông đông như Vành đai 3, đường Cổ Linh…, các phương tiện di chuyển chậm.
Tại các tuyến đường nội thành Hà Nội hướng lên khu vực trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng,… lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông ổn định. Lực lượng CSGT luôn chủ động bố trí lực lượng làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển, phân luồng, sẵn sàng giải quyết ùn tắc giao thông.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương giáp ranh: các cửa ngõ ra vào thành phố và trên 2 tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận, lưu lượng phương tiện tăng cao, các phương tiện di chuyển chậm. Khu vực cầu Rạch Miễu lưu lượng giao thông tăng đột biến do người dân đổ dồn đi chơi trong dịp nghỉ lễ dẫn đến lưu lượng phương tiện đông, di chuyển chậm. Trạm thu phí cầu Rạch Miễu xả trạm 5 lần. Hướng Bến Tre đi Tiền Giang, lực lượng CSGT 2 địa phương điều tiết, phân luồng phương tiện, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, nghiêm trọng. Lực lượng CSGT TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan đã chủ động phân luồng, điều tiết giao thông đảm bảo cho các phương tiện tham gia giao thông di chuyển an toàn, không để xảy ra ùn tắc.
Nhiều địa phương bị ảnh hưởng bởi nắng nóng đặc biệt gay gắt
Ngày 29/4, nắng nóng đặc biệt gay gắt tiếp tục gây ảnh hưởng đến nhiều địa phương trong cả nước. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo người dân cần lưu ý các nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Tại "chảo lửa" miền Trung, nhiệt độ cập nhật lúc 13 giờ ngày 29/4 ở các khu vực hầu hết đều trên 41 độ C. Cụ thể, Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có nền nhiệt phổ biến 40-42 độ C, có nơi trên 42 độ C như: Tương Dương (Nghệ An) 42,1 độ C, Đông Hà (Quảng Trị) 42,4 độ C… Trong khi đó, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Thanh Hóa, từ Đà Nẵng đến Phú Yên và Nam Bộ cũng có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C như: Yên Châu (Sơn La) 41,3 độ C, Tam Kỳ (Quảng Nam) 39,7 độ C, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 40,4 độ C, Sơn Hòa (Phú Yên) 39,8 độ C... Các nơi khác ở Bắc Bộ, khu vực từ Khánh Hòa đến Phú Yên và Tây Nguyên có nắng nóng, nền nhiệt phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 37 độ C như, Ayunpa (Gia Lai) 38,2 độ C, …; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40 - 55%.
Nắng nóng đặc biệt gay gắt tiếp tục gây ảnh hưởng đến nhiều địa phương trong cả nước. (Ảnh: TB). |
Các chuyên gia khí tượng cảnh báo do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Người dân cần lưu ý nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Ít nhất 42 người thiệt mạng trong vụ vỡ đập tại Kenya
Ngày 29/4, đập Old Kijabe, nằm ở Mai Mahiu, miền Tây Kenya bất ngờ bị vỡ khiến ít nhất 42 người thiệt mạng.
Chỉ huy cảnh sát khu vực Naivasha Stephen Kirui cho biết, một lượng nước khổng lồ đổ từ trên đồi Kijabe xuống, cuốn trôi hàng chục ngôi nhà ở khu vực Ruiru, Kamuchiri và Geogious. Trong số 42 người thiệt mạng có 17 trẻ vị thành niên. Các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ đang được tiến hành khẩn cấp.
Theo Cơ quan quản lý đường cao tốc quốc gia Kenya, một phần đường từ Mai Mahiu về phía Naivasha đã không thể đi lại do vỡ đập gây ra. Nhiều tuyến đường khác bị ảnh hưởng nặng nề khiến giao thông bị tắc nghẽn, gây ảnh hưởng tới công tác cứu trợ.
Có tới 102 người đã được giải cứu khỏi bùn lấp và được các tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ Kenya và Đội quản lý thảm họa quận Nakuru đưa đến bệnh viện. Dự báo còn nhiều người vẫn mắc kẹt, do vậy con số thương vong có thể tăng lên.
Nước lũ tràn qua một số ngôi làng. (Ảnh: The Standard) |
Những trường hợp bị thương nặng do gãy xương đã được chuyển đến Bệnh viện Tiểu khu Naivasha để điều trị chuyên khoa. Bộ Y tế đã thành lập một trung tâm ứng phó tích hợp tại Obuntu, địa điểm gần hiện trường hơn để tập trung nguồn lực và tăng cường các nỗ lực ứng phó.
Ngoài công tác cứu hộ, các quan chức địa phương kêu gọi chính phủ Kenya nhanh chóng đánh giá mức độ an toàn của các đập trên cả nước và chuẩn bị kế hoạch quản lý thiên tai cũng như cảnh báo sớm để ngăn chặn những sự cố tương tự xảy ra trong tương lai.
Mưa lớn liên tục ở Kenya từ giữa tháng 3 đã gây ra lũ lụt khiến gần 100 người thiệt mạng, nhiều trường học phải đóng cửa. Sân bay chính của Kenya cũng bị ngập từ ngày 27/4, buộc một số chuyến bay phải chuyển hướng. Cục Khí tượng nước này cảnh báo mưa lớn sẽ tiếp tục kéo dài trong những ngày tới./.