Gần 1.300 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa
(ĐCSVN) - UBND tỉnh vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 – 2027.
Ảnh minh họa (Nguồn: Hoàng Lam) |
Theo đó, tổng số người được phê duyệt là 1.281 người có uy tín/1.281 thôn, bản, khu phố của 183 xã, thị trấn thuộc 11 huyện miền núi và 06 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi. Trong đó, Dân tộc Mường là 627 người; Dân tộc Thái là 484 người; Dân tộc Dao là 13 người; Dân tộc Mông là 43 người; Dân tộc Kinh là 83 người; Dân tộc Khơ Mú là 02 người; Dân tộc Thổ là 29 người.
UBND tỉnh yêu cầu Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chính sách người có uy tín theo quy định; đồng thời Sở Tài chính phối hợp với Ban Dân tộc kịp thời hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện chính sách, phối hợp với Ban Dân tộc, Công an tỉnh xây dựng kế hoạch kinh phí hàng năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín theo quy định.
Giao UBND các huyện căn cứ chế độ, chính sách đối với người có uy tín, căn cứ nguồn kinh phí được giao, tổ chức thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Hàng năm chủ động thực hiện rà soát danh sách người có uy tín đưa ra, thay thế, bổ sung theo quy định.
Thanh Hoá là nơi sinh sống lâu đời, đoàn kết, hoà thuận của 7 dân tộc anh em: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số đã phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Từ chỗ là vùng nông thôn, miền núi nghèo nàn, lạc hậu, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao; đến nay, diện mạo khu vực miền núi đã có những đổi thay tích cực. Kinh tế toàn vùng liên tục tăng trưởng; tốc độ tăng giá trị sản xuất giai đoạn 2016 - 2021 đạt khoảng 8%/năm. Các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ - thương mại đều phát triển khá; nhiều nơi đã thay đổi tập quán canh tác lạc hậu từ độc canh, sản xuất “tự cung, tự cấp” sang thâm canh tăng vụ và sản xuất hàng hóa. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội đều có chuyển biến tiến bộ; đời sống của đồng bào được cải thiện đáng kể. Quốc phòng - an ninh, nhất là an ninh biên giới được giữ vững. Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền được nâng lên; đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nhiều cán bộ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.../.