Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Gameshow truyền hình và văn hóa ứng xử

Thứ Sáu, 19/05/2017 15:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) –Trong những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của đông đảo công chúng, VTV và một số đài địa phương đã “đi tắt, đón đầu” tổ chức khá nhiều game show có chất lượng nghệ thuật. Khá nhiều game show đã được khẳng định, không thể thiếu được trong khung giờ vàng của VTV3, VTV6...


Các game show đang khiến khán giả bội thực? (ảnh: gunaxin.com)

Điều không thể phủ nhận là, không ít game show từ format của nước ngoài đã nổi tiếng, hút hồn nhiều người Việt như Ai là triệu phú, Chiếc nón kỳ diệu, Đường lên đỉnh Olympia... Đó là những món ăn tinh thần không thể thiếu đối với công chúng trong khung giờ vàng trên sóng truyền hình. Thông qua các game show, chúng ta cũng đã chọn lựa được khá nhiều nhân tài, ca sỹ triển vọng.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, một số nhà tổ chức thay vì nghiêm túc với chất lượng sản phẩm lại chạy theo thị hiếu, nhờ vả những cái tên hot hoặc đầy rẫy scandal để tăng lượng người xem, bài toán bền vững sẽ không thể giải.

 Thực tế hiện nay cho thấy,  game show truyền hình đang đi vào thời khắc khó khăn nhất trong việc thu hút khán giả. Một số game show đang giảm sút cả về văn hóa lẫn quy mô, các mô típ không thể làm mới được nữa, thậm chí đang dần đi vào ngõ cụt. Thêm vào đó, cũng từ một số chương trình, người ta đang nhận thấy hồi chuông báo động về văn hóa ứng xử của nghệ sỹ.

Có lẽ trên thế giới có bao nhiêu game show đình đám thì Việt Nam đã có bấy nhiêu. Chúng ta luôn tự hào về truyền thống yêu ca hát, nhưng sự thật, nước ta chưa bao giờ là một cường quốc về âm nhạc.

Không ít cuộc thi hát đã xuất hiện với ảnh hưởng rầm rộ, nhưng rồi lại sớm lay lắt vì thiếu đi nội lực thực thụ. Kết quả là người ta càng mua thêm các chương trình mới, khán giả lại càng nhàm chán. Chất lượng thí sinh đi xuống, chất lượng những giám khảo nhiều khi cũng chẳng khá hơn. Những lời nói sáo rỗng, thậm chí ngô nghê trên “ghế nóng” có thể gây cười đôi chút cho khán giả, nhưng lại chẳng khác nào một cái tát cho những người có chuyên môn đầu ngành.

Vấn đề của không ít nhà đài là  sự bế tắc hoặc xem nhẹ định hướng các game show giải trí. Chắc chắn, việc liên tục nhập khẩu những chương trình mới không thể là cách để giải quyết mọi việc. Có điều, nếu cứ xem nhẹ giá trị nghệ thuật, sa vào mục tiêu thương mại, kinh doanh, người ta sẽ rất khó có lối thoát.

Việc xây dựng phông văn hóa trong các chương trình giải trí luôn có chỗ đứng rất lớn cho các giám khảo, hoặc những người dẫn dắt cuộc chơi. Tuy vậy, liên tục trong thời gian gần đây, việc hàng loạt nghệ sỹ dính vào scandal về cách ứng xử đã cho thấy những hạn chế trầm trọng trong nỗ lực xây dựng sự nghiêm túc hoặc văn hóa truyền thống.

* Báo động văn hóa ứng xử của nghệ sỹ

Khán giả cũng như cộng đồng mạng đã trải qua những ngày rất “nóng” sau sự việc một ngôi sao mới nổi có hành vi xúc phạm một nghệ sỹ gạo cội. Dù sự giận dữ của dư luận có lẽ đã được xoa dịu phần nào, thì một câu hỏi vẫn được đặt ra: Điều gì đang khiến các sân khấu gameshow tạo ra những scandal kiểu như thế? Dường như chúng ta đã chứng kiến tất cả những gì là góc khuất của showbiz Việt qua các chương trình giải trí. Là sự nhảm nhí của hài rẻ tiền, là hình ảnh tội phạm với trẻ em trở lại nghề diễn với lời xin lỗi, là hành vi thiếu tôn trọng văn hóa dân gian khi bóp méo tác phẩm, và bây giờ, một số nghệ sỹ được nể trọng không thể chịu nổi tổn thương từ những kẻ hậu bối.

Có thể thấy, việc các gameshow truyền hình bùng nổ cũng là một trong những lý do khiến các sân khấu truyền thống bị đẩy vào thách thức sinh tồn. Nghịch lý ấy khiến một số nghệ sỹ giàu tự trọng và cố gắng bằng mọi giá giữ nghề cũng rơi vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Số khác bắt đầu bị cuốn vào cuộc chơi truyền thông nhưng không thể sớm thích nghi với những chiêu trò kệch cỡm, với văn hóa ứng xử xa rời tôn ti trật tự. Và còn lại chính là sự tỏa sáng của những ngôi sao kiêu ngạo, thời thượng và dĩ nhiên, luôn có lượng fan áp đảo. Ở phương diện nào đó, các gameshow đã đi đúng hướng khi khai thác được sức hút từ ánh hào quang showbiz. Nhưng kết quả là gì? Những sân khấu kịch, cải lương, tuồng, chèo chỉ đỏ đèn cho có lệ. Đáng chú ý là không ít nghệ sỹ chân chính lần lượt bỏ đi giá trị của mình. Và sau cùng, nghệ thuật sẽ trở thành một món ăn đắng ngắt khi không còn tương tác được với khán giả.

Dĩ nhiên, không thể phủ nhận tính giải trí cao của nhiều game show trong khung giờ vàng. Việc lựa chọn ra những nhân tố xuất sắc không chuyên từ các chương trình nói trên cũng là điều đáng ghi nhận. Nhưng bên cạnh sự thiếu vắng đáng báo động của các chuyên gia nghệ thuật có khả năng và uy tín, khán giả cũng phần nào bị kéo vào sự dễ dãi trong thụ hưởng giải trí.

Tốt nhất, nếu chưa thể làm cho hay, hãy làm cho “sạch” những gameshow truyền hình./.

HC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN