Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

FED xoay trục chính sách, vị thế của đồng USD lung lay

Thứ Hai, 25/12/2023 08:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chính sách xoay trục ôn hòa vào tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thúc đẩy khả năng đồng USD suy yếu trong năm 2024, mặc dù sức mạnh của nền kinh tế Mỹ có thể hạn chế sự suy giảm của đồng bạc xanh.

Chính sách xoay trục của FED đã thúc đẩy khả năng đồng USD suy yếu trong năm 2024. (Ảnh: Reuters)

Sau khi tăng vọt lên mức cao nhất trong hai thập kỷ nhờ đợt tăng lãi suất của FED vào năm 2022, đồng USD của Mỹ cơ bản ổn định trong năm nay nhờ vào sự tăng trưởng kiên cường của kinh tế Mỹ và cam kết của Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục tăng chi phí cho vay.

Cuộc họp của FED tuần trước đánh dấu một sự thay đổi bất ngờ, Chủ tịch Jerome Powell cho biết, đợt thắt chặt chính sách tiền tệ lịch sử đưa lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ có thể đã kết thúc nhờ lạm phát hạ nhiệt. Các nhà hoạch định chính sách của FED hiện dự kiến cắt giảm lãi suất 0,75% vào năm tới.

Lãi suất giảm thường được coi là một trở ngại đối với đồng USD, khiến tài sản định giá bằng đồng tiền Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận. Mặc dù các chiến lược gia đã dự đoán đồng USD sẽ suy yếu trong năm tới, tốc độ cắt giảm lãi suất nhanh hơn có thể đẩy nhanh sự suy giảm của đồng tiền này.

Tuy nhiên, đặt cược vào đồng USD yếu là một động thái mang đầy rủi ro trong những năm gần đây và một số nhà đầu tư cảnh giác với việc này. Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với các nền kinh tế khác có thể là một yếu tố gây trở ngại cho các nhà đầu tư theo xu hướng giá USD giảm.

Đối với Mỹ, đồng USD suy yếu sẽ làm cho hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh hơn ở nước ngoài và tăng lợi nhuận của các công ty đa quốc gia bằng cách làm cho việc chuyển đổi lợi nhuận nước ngoài của họ sang USD trở nên rẻ hơn.

Theo dữ liệu của FactSet, khoảng 1/4 các công ty thuộc S&P 500 tạo ra hơn 50% doanh thu bên ngoài nước Mỹ.

Một cuộc thăm dò đầu tháng 12/2023 với 71 chiến lược gia ngoại hối cho thấy, kỳ vọng đồng USD sẽ giảm giá so với các loại tiền tệ hàng đầu thế giới vào năm 2024, với phần lớn sự suy giảm sẽ diễn ra vào nửa cuối năm. Dự báo này có đúng hay không có thể phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế Mỹ so với các nền kinh tế khác trên toàn cầu vào năm tới và tốc độ điều chỉnh chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 10 vừa qua dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,5% vào năm 2024, so với mức tương ứng 1,2% của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và 4,2% của Trung Quốc.

Trước đó, ngày 13/12, lần thứ 3 liên tiếp, FED đã quyết định giữ lãi suất cho vay ổn định, hiện ở mức cao nhất trong 22 năm, tuy nhiên cơ quan này cũng đưa ra tín hiệu dự kiến sẽ thực hiện 3 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024.

Trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và nền kinh tế vẫn vững chắc, các quan chức của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) nhất trí giữ nguyên lãi suất cho vay chủ chốt trong phạm vi 5,25% - 5,5% - mức cao nhất kể từ năm 2011.

Cùng với quyết định giữ nguyên lãi suất, các thành viên FOMC dự kiến ít nhất sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Số lần cắt giảm này thấp hơn dự đoán 4 lần của thị trường, nhưng mạnh mẽ hơn những gì các quan chức FED đưa ra tại cuộc họp trước đó hồi tháng 9.

FED đã nâng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3/2022 để kiềm chế lạm phát. Lạm phát Mỹ hiện đã chậm lại đáng kể so với mức đỉnh 40 năm vào hè năm ngoái. Kết quả này khiến giới chuyên gia dự đoán FED sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong bối cảnh cơ quan này tiếp tục cuộc chiến nhằm giảm đà lạm phát, hướng tới mục tiêu dài hạn là 2%./. 

H.Hà (Theo Reuters, US News)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN