Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

EVN xây dựng nông thôn mới: Thay đổi diện mạo nông thôn với tiêu chí thứ 4

Thứ Hai, 07/03/2016 15:21 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Trong 5 năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới (NTM), được Nhà nước ghi nhận và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.


Diện mạo nông thôn nhiều thay đổi kể từ khi có điện.
Tích cực hỗ trợ thực hiện tiêu chí về điện năng 

Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí điện năng xếp thứ 4. Tiêu chí này gồm 2 phần: Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành Điện và tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Trước năm 2011, kết cấu hạ tầng điện nông thôn nước ta rất sơ sài, cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đến năm 2011 cả nước chỉ có 3.545 xã đạt tiêu chí về điện năng, chiếm 39,1% tổng số xã trên toàn quốc, trong khi đó, mục tiêu phấn đấu của EVN là, đến năm 2015 có 85% số xã đạt tiêu chí về điện năng và đến năm 2020 con số này là 95%.

 Để thực hiện được mục tiêu này, trong giai đoạn 2011 - 2015, EVN đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu lưới điện trung áp và hạ áp nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển các nghề sản xuất và dịch vụ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. 

Có được sự cam kết của Chính phủ Việt Nam, EVN đã tiếp cận và làm việc với các nhà tài trợ quốc tế, đồng thời xây dựng các cơ chế điều hành, tổ chức quản lý và tăng cường nhân lực để đảm nhận vai trò chủ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA cho chương trình điện khí hóa nông thôn Việt Nam như: Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam (REI) có tổng vốn đầu tư hơn 3.294 tỷ đồng cấp điện cho 976 xã với hơn 550.000 hộ dân; Dự án “Điện khí hóa nông thôn miền Nam” có tổng vốn đầu tư 395 tỷ đồng cấp điện cho 138 xã với 155.000 hộ dân;…

Cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay quốc tế, EVN chịu  trách nhiệm đưa điện lưới quốc gia tới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, hải đảo, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia, với tổng số vốn đầu tư lên tới 5.356 tỷ đồng. Ngoài việc thực hiện đầu tư lưới điện nông thôn, trong giai đoạn 2011-2015 EVN còn tiếp tục tiếp nhận, quản lý vận hành lưới điện nông thôn từ các tổ chức, HTX địa phương tại 1.368 xã với 21.738 km đường dây hạ áp; tổ chức đào tạo tại chỗ và bổ sung CBCNV chuyên nghiệp xuống các xã hỗ trợ chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng.  Diện mạo nông thôn nhiều thay đổi kể từ khi có điện 

Kiên trì với mục tiêu đề ra

Để có được những kết quả trên, trong thời gian qua, EVN nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan liên quan và của Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Hệ thống quản lý, điều hành Chương trình NTM đã được thành lập từ cơ sở đến Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi để EVN và các đơn vị điện lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng điện nông thôn.

Từ nay đến năm 2020, EVN phấn đấu số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,5%; số xã được cung cấp điện đạt 100%; số xã đạt tiêu chí về điện trong xây dựng NTM đạt 95%. Để đạt được mục tiêu này, EVN sẽ tiếp tục tiến hành cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn hiện có, đầu tư mở rộng đưa điện về những vùng nông thôn chưa có điện. Các đơn vị thành viên của EVN tiếp tục thực hiện nghiêm các dự án điện nông thôn đã và đang triển khai; tiếp tục lập các các dự án mới về đầu tư mới về hệ thống điện nông thôn.

Khó khăn lớn nhất của ngành Điện hiện nay là thiếu nguồn vốn đầu tư. Với khả năng tài chính hiện có, EVN chỉ có thể cải tạo hệ thống lưới điện hiện hữu, đầu tư xây dựng mới một số tuyến trục chính lưới điện mở rộng. Để đạt tiêu chí về điện trong Chương trình xây dựng NTM đòi hỏi lượng vốn đầu tư rất lớn, cần phải huy động mọi nguồn lực của xã hội. Vì vậy, EVN đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện để các đơn vị điện lực tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn. Đồng thời, có những giải pháp mạnh, yêu cầu các tổ chức kinh doanh điện nông thôn còn lại, sớm bàn giao tài sản cho các đơn vị của Tập đoàn quản lý và kinh doanh bán điện trực tiếp. 

Những kết quả thu được từ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn của EVN trong thời gian qua là điều kiện cần thiết, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và ngành nghề dịch vụ nông nghiệp, làm thay đổi diện mạo nông thôn, từng bước thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020. 

 

Tính đến cuối năm 2015, cả nước có:

- 8.986 xã được cung cấp điện, chiếm 99,8%; với 19,5 triệu hộ dân nông thôn được sử dụng điện, đạt 98,76% số hộ dân nông thôn cả nước;

- 6.165 xã hoàn thành tiêu chí về điện năng trong lộ trình xây dựng NTM, tăng 2.653 xã so với năm 2011.

 

Theo TCĐL Chuyên đề

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN