Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

EU vẫn chưa đạt đồng thuận về giá trần khí đốt

Thứ Tư, 14/12/2022 17:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tại cuộc họp ngày 13/12, các Bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) vẫn không thể đạt được đồng thuận cuối cùng về việc áp giá trần khí đốt của Nga trên toàn khối, mặc dù đã thu hẹp được một số bất đồng nhất định.

Cao ủy EU về Năng lượng Kadri Simson (trái) thảo luận với Bộ trưởng Năng lượng và Khí hậu Đan Mạch Dan Jorgensen và Bộ trưởng Công nghiệp Cộng hòa Séc Jozef Sikela trước cuộc họp tại Brussels ngày 13/12.
(Ảnh: AFP/Getty Images)

“Chúng tôi đã đạt được tiến bộ, nhưng quá trình vẫn chưa được hoàn tất. Không phải tất cả các câu hỏi đều có thể được trả lời hôm nay”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết sau cuộc họp kéo dài nhiều giờ đồng hồ tại thủ đô Brussels của Bỉ.

Tại cuộc họp do Bộ trưởng Công nghiệp Cộng hòa Séc, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, Jozef Sikela chủ trì, các Bộ trưởng EU đã đồng ý với hai biện pháp khác nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, về việc mua chung khí đốt và đẩy nhanh tiến trình cấp phép cho hoạt động lắp đặt năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc thông qua các biện pháp này còn phụ thuộc vào việc giải quyết mức trần giá khí đốt. Ông Sikela cho biết, mục tiêu của các Bộ trưởng là thông qua cả 3 vấn đề này trong cuộc họp vào ngày 19/12 tới đây.

Trước đó, tháng 11 vừa qua, EU đã đề xuất áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh (292 USD/MWh). Cao ủy EU về Năng lượng Kadri Simson cho biết, cơ chế điều tiết thị trường sẽ được tự động kích hoạt khi giá khí đốt vượt quá 275 euro/MWh trong 2 tuần liên tiếp, và chênh lệch giữa giá khí đốt hợp đồng tương lai tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan và giá LNG toàn cầu ở mức trên 58 euro trong 10 ngày giao dịch liên tiếp.

Bà nhấn mạnh đây là giải pháp cuối cùng để ngăn chặn tình trạng giá khí đốt tăng quá cao, không phù hợp với xu hướng tăng giá trên toàn cầu. Bà Kadri Simson cho rằng, việc áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh có thể không giúp hạ nhiệt giá khí đốt.  Tuy nhiên, biện pháp này sẽ cung cấp công cụ mạnh mẽ mà EU có thể sử dụng khi cần, bổ sung cho những nỗ lực cơ cấu hơn nhằm giảm giá khí đốt.

Một số quốc gia, bao gồm Đức, Áo và Hà Lan lo ngại việc áp trần giá khí đốt có thể khiến hoạt động năng lượng bị gián đoạn và khiến khí đốt không còn được bán cho châu Âu.

Trong khi các nước khác, bao gồm Hy Lạp, Bỉ, Italy và Ba Lan lại cho rằng, áp trần giá khí đốt có thể sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao.

Giá nhiên liệu tại châu Âu hiện vẫn ở mức cao đang làm dấy lên lo ngại rằng các hộ gia đình và doanh nghiệp tại châu Âu có thể đối mặt với tình trạng mất điện hoặc không thể thanh toán các hóa đơn năng lượng.

"Các công dân châu Âu đang chật vật, các doanh nghiệp châu Âu đang đóng cửa và châu Âu đang tranh luận một cách không cần thiết", Bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp Konstantinos Skrekas nói trước khi cuộc họp diễn ra./.

 

H.Hà (Theo Reuters, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN