Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

EU khởi động đấu thầu mua chung khí đốt

Thứ Năm, 11/05/2023 18:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 10/5, Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên khởi động cuộc đấu thầu quốc tế để mua chung khí đốt, nhằm đảm bảo dự trữ năng lượng trước mùa Đông 2023-2024.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic. (Ảnh: Euractiv.com) 

Theo đó, 77 công ty châu Âu đã gửi yêu cầu về tổng khối lượng khoảng 11,6 tỷ m3 khí đốt, trong đó gồm 2,8 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và 9,6 tỷ m3 giao hàng qua đường ống thông qua gói thầu đầu tiên.

Các nhà cung cấp khí đốt quốc tế, ngoại trừ Nga đã yêu cầu gửi hồ sơ dự thầu trước ngày 15/5 sắp tới. Những mức giá thầu tốt nhất sau đó sẽ được chuyển cho các công ty khách hàng để thảo luận chi tiết trước khi các bên liên quan tiến hành ký kết. 

EU hiện đang nỗ lực tìm mua khí đốt với mức giá tốt nhất có thể để bảo đảm dự trữ loại tài nguyên quan trọng này trước mùa đông sắp tới. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên EU hướng đến mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, trong bối cảnh Moskva đã quyết định cắt giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống cho châu Âu.

Phát biểu với báo giới tại Brussels, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic cho biết, “Đây là một bước đi lịch sử. Chúng tôi đang tận dụng sức mạnh kinh tế tập thể của EU để tăng cường an ninh năng lượng và chống lại giá khí đốt cao".

Cuộc đấu thầu đầu tiên do EU kêu gọi bao gồm nhiều đợt giao hàng, dự kiến từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024. Các cuộc gọi đấu thầu mới sẽ diễn ra 2 tháng/lần cho đến cuối năm 2023.

Các công ty từ EU, cũng như từ các quốc gia thuộc "Cộng đồng năng lượng châu Âu" như Ukraine, Kosovo, Bắc Macedonia, Georgia, Moldova, Montenegro, Albania, Bosnia, và Serbia cũng có thể tham gia gửi tổng cầu.

EU đặt mục tiêu dự trữ 90% khí đốt vào tháng 11 để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt của mùa đông. Để làm được điều này, các quốc gia thành viên khối này cần mua chung ít nhất 15% khối lượng khí đốt.

Cơ chế mua chung khí đốt này là một phần trong các biện pháp được EU thông qua vào năm 2022 để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga-Ukraine./.

H.Hà (Theo Reuters, europa.eu)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN