Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

EU khó có thể đạt được mục tiêu cắt giảm nhựa vào năm 2025 và 2030

Thứ Tư, 07/10/2020 22:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Theo báo cáo của kiểm toán viên độc lập phát hành ngày 6/10, Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với sự gia tăng rác thải nhựa và có nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu cắt giảm và tái chế nhựa vào năm 2025 và 2030.

Uỷ ban châu Âu đặt ra mục tiêu ít nhất 50% tổng số chất thải từ bao bì nhựa sẽ được tái chế vào năm 2025 và 55% vào năm 2030. Đây là một phần trong chiến lược sử dụng nhựa được Uỷ ban châu Âu thông qua vào năm 2018. Các nhà lãnh đạo EU cũng muốn đảm bảo rằng tất cả các bao bì nhựa lưu hành trong thị trường EU có thể tái sử dụng hoặc tái chế vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo kiểm toán viên độc lập của EU, các nước thành viên EU vẫn đang đốt nhựa nhiều hơn mức tái chế, thải ra một lượng lớn khí CO2 và các chất ô nhiễm khác. Ông Samo Jereb, kiểm toán viên phụ trách báo cáo, đánh giá khó có thể thay đổi tình trạng này, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng do đại dịch COVID-19.

 Liên minh châu Âu khó có thể đạt được mục tiêu cắt giảm rác thải nhựa vào năm 2025 và 2030. (Ảnh: CTV News)

Hãng thông tấn AP dẫn lời ông Jereb cho biết : "Thói quen tiêu thụ đồ sử dụng một lần do lo ngại vấn đề vệ sinh đã được khôi phục, đại dịch COVID-19 cho chúng ta thấy nhựa sẽ tiếp tục là trụ cột trong nền kinh tế của chúng ta, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng mối đe dọa cho môi trường."

Khoảng một phần ba bao bì nhựa mà EU tái chế được xử lý tại các quốc gia bên ngoài EU. Nhưng từ năm tới, hầu hết các lô hàng này sẽ bị gán mác chất thải nguy hại và cấm xuất khẩu. "Điều này kết hợp với sự thiếu năng lực xử lý chất thải bao bì nhựa trong EU sẽ khiến rác thải sẽ được xử lý bất hợp pháp cả trong và ngoài EU", báo cáo viết.

Báo cáo cũng cảnh báo rằng các quy tắc xử lý rác mới, chặt chẽ hơn, sẽ khiến tỉ lệ tái chế bao bì nhựa của EU giảm từ 41% xuống còn từ 29 – 32%.

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN