Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

EU huy động 20 tỷ euro nhằm giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga

Thứ Năm, 15/12/2022 15:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Ngày 14/12, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận, theo đó sẽ huy động thêm 20 tỷ euro (khoảng 21 tỷ USD) từ thị trường carbon để giúp tài trợ cho kế hoạch sớm chấm dứt sự phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch của Nga.

EU huy động thêm 20 tỷ euro nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga. (Ảnh: Reuters) 

Các nhà đàm phán của các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu đã nhất trí 60% kinh phí trên được huy động từ Quỹ Đổi mới EU – một nguồn thu của thị trường carbon hiện được chi cho các công nghệ xanh mang tính đột phá.

Trong khi đó, 40% còn lại sẽ được huy động từ việc bán giấy phép phát thải CO2 được cấp trước khi kế hoạch được triển khai.

Khoản tiền này sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất năng lượng tái tạo, đổi mới tiết kiệm năng lượng và các dự án giúp ngành công nghiệp nặng loại bỏ cacbon.

Các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu sẽ phải chính thức thông qua thỏa thuận này trước khi thỏa thuận có hiệu lực vào đầu năm tới.

Thị trường carbon của EU buộc các nhà máy điện và công nghiệp phải mua giấy phép phát thải CO2. Những năm gần đây, giá của loại giấy phép này tăng mạnh, giúp các nước tăng nguồn thu nhờ bán giấy phép cho các công ty phát thải CO2.

Giấy phép phát thải CO2 của EU đã tăng cao hơn một phần do các mục tiêu cắt giảm khí thải khó khăn hơn sẽ thu hẹp nguồn cung giấy phép CO2 có sẵn trong thập kỷ này. Giấy phép phát thải carbon tại EU được giao dịch ở mức 88 euro/tấn ngày 14/12.

EU cam kết nhằm giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với các mức ghi nhận năm 1990 và đạt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050.

Ban đầu, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất kinh phí cho các khoản đầu tư năng lượng mới sẽ được huy động thông qua việc bán giấy phép được lưu trữ trong Dự trữ ổn định thị trường – một cơ chế được thiết kế  nhằm hấp thu lượng giấy phép dư thừa và ngăn thị trường trở nên thừa cung.

Các quốc gia gồm Hà Lan và Đan Mạch phản đối ý tưởng này, cảnh báo việc này có thể làm suy yếu niềm tin vào thị trường carbon và làm giảm giá carbon của EU./.

 

 

H.Hà (Theo Reuters, Euro News)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN