Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Được lựa chọn biển số ô tô của tất cả các tỉnh, đấu giá trực tuyến

Thứ Sáu, 21/10/2022 11:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 21/10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá gồm 07 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá trong phiên họp sáng 21/10. Ảnh: ĐT

Được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, đấu giá trực tuyến

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô chưa đăng ký, Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen). Những biển số này được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản và trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 30 ngày tổ chức đấu giá.

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá (kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá). Biển số không được lựa chọn để đấu giá, biển số qua cuộc đấu giá không thành sẽ chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy định của Bộ Công an.

Trong thời gian thực hiện thí điểm, theo tờ trình Chính phủ, Bộ Công an lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, kết nối với Hệ thống đăng ký, quản lý xe để đấu giá biển số và đăng ký biển số trúng đấu giá theo quy định, không lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản cho từng đợt tổ chức đấu giá theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản 2016.

Người trúng đấu giá được giữ lại biển số khi bán xe

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe đã gắn với biển số trúng đấu giá, người trúng đấu giá được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe.

Cụ thể, người trúng đấu giá sẽ được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá; Được đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình tại cơ quan Công an nơi quản lý biển số trúng đấu giá hoặc nơi người trúng đấu giá đăng ký thường trú, đặt trụ sở; Được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình; Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá, nếu người trúng đấu giá chết nhưng biển số trúng đấu giá chưa đăng ký gắn với xe thì được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định (không được tính lãi suất). Người thừa kế của người trúng đấu giá tiếp nhận số tiền này.

Tờ trình của Chính phủ cũng làm rõ nghĩa vụ của người trúng đấu giá: Nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá; Thực hiện thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe để gắn biển số với xe trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá. Quá thời hạn nêu trên mà người trúng đấu giá không đăng ký biển số đó gắn với xe thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi biển số trúng đấu giá; Không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá (trừ trường hợp chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe).

Đặc biệt, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác; không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.

Liên quan đến việc sử dụng nguồn thu từ đấu giá, tờ trình của Chính phủ quy định “Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Nội dung này đã được Chính phủ sửa đổi sau cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tháng 9/2022 về Dự thảo này. Khi đó, dự thảo Nghị quyết quy định “số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương”.

Đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng

Về giá khởi điểm của 01 biển số đưa ra đấu giá, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số đưa ra đấu giá, theo đó xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể: vùng 1 (gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh): 40.000.000 đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): 20.000.000 đồng.

Bộ Công an đề nghị xác định giá khởi điểm của 01 biển số đưa ra đấu giá là mức lệ phí đăng ký cao nhất hiện đang áp dụng tại địa phương (theo quy định Thông tư 229/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính) nhân với hệ số để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá, đồng thời căn cứ vào giá trị trung bình của 01 chiếc xe ô tô tại Việt Nam khoảng 800.000.000 đồng để tính % khi áp dụng giá khởi điểm (tương đương 2,5-5% giá trị xe ô tô). Việc quy định 02 mức giá khởi điểm căn cứ vào thực tiễn và quy định về thu lệ phí đăng ký xe từ nhiều năm nay (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quy định mức thu lệ phí cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác). Thị trường sẽ quyết định giá trị của biển số qua các cuộc đấu giá và giá trị thật của biển số là giá trúng đấu giá chứ không căn cứ vào giá khởi điểm.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới  trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá tại phiên họp sáng 21/10. Ảnh: ĐT

Tuy nhiên, liên quan đến giá khởi điểm, tiền đặt trước (Điều 5) và bước giá, Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày trước Quốc hội cho biết, một số ý kiến nhất trí với dự thảo Nghị quyết xác định giá khởi điểm của 01 biển số đưa ra đấu giá đối với Vùng 1 (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) là 40 triệu đồng, đối với Vùng 2 (các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng, vì cho rằng mức giá khởi điểm này cơ bản phù hợp với thực tiễn thu nhập bình quân Vùng 1, Vùng 2; mức chênh lệnh giá khởi điểm giữa Vùng 1 và Vùng 2 cũng tương đương với mức chênh lệch phí đăng ký biển số xe ô tô giữa Khu vực 1 và Khu vực 2 (20 triệu đồng - 01 triệu đồng).

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng không nhất trí với dự thảo Nghị quyết, vì cho rằng việc đưa ra giá khởi điểm Vùng 1 và Vùng 2 là thiếu căn cứ rõ ràng. Do đó, đề nghị áp dụng thống nhất trong cả nước một mức giá khởi điểm, có thể là mức 40 triệu đồng; có ý kiến đề nghị mức giá khởi điểm 20 triệu đồng để đồng bào dân tộc thiểu số có thể tham gia đấu giá.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị xây dựng danh mục và chỉ xác định giá khởi điểm cho danh mục các “biển số đẹp” đã được thừa nhận rộng rãi như các biển tứ quý, ngũ quý, số tiến…. để xác định giá khởi điểm cho phù hợp.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Quốc phòng và an ninh (QPAN) nhận thấy rằng, về các biển số đưa ra đấu giá đã được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị quyết và việc xây dựng danh mục các “biển số đẹp” là không khả thi, vì không có tiêu chí cụ thể để xác định “biển số đẹp”, mà tùy thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá và sở thích của mỗi người khác nhau.

Việc xác định giá khởi điểm của biển số xe ô tô là rất khó, vì biển số xe là tài sản công, chưa có cơ sở để xác định giá khởi điểm đối với từng loại biển số khác nhau. Đây cũng chính là điểm khác biệt với quy định của pháp luật hiện hành. Việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa Vùng 1 và Vùng 2 không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa Vùng 1 và Vùng 2. Trên cơ sở đề xuất giá khởi điểm của Chính phủ (40 triệu, 20 triệu), Ủy ban QPAN đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.

Thí điểm trên phạm vi toàn quốc

Liên quan đến phạm vi thí điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban QPAN cho rằng, trong thí điểm thì có thể giới hạn về phạm vi nội dung thí điểm hoặc phạm vi địa bàn thí điểm. Thực tế trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành một số nghị quyết thí điểm giới hạn tại một số địa phương, nhưng cũng có một số nghị quyết thí điểm chỉ giới hạn về nội dung mà không giới hạn địa phương thí điểm.

 Cùng với đó, việc cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá đều áp dụng một quy trình thống nhất và nhu cầu lựa chọn “biển số đẹp” của nhiều người, ở nhiều địa phương. Do đó, Ủy ban QPAN nhất trí với Tờ trình và dự thảo Nghị quyết là thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả các địa phương; đồng thời, cũng là để khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký xe ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.

Nếu người thường trú tại địa phương nào chỉ được tham gia đấu giá tại địa phương đó thì sẽ hạn chế số lượng người tham gia đấu giá, không đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và không khai thác triệt để nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ công tác quản lý, đăng ký xe ô tô đối với những trường hợp thường trú ở địa phương này trúng đấu giá biển số xe ô tô ở địa phương khác./.

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN