Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đứng trước “cơn bão” giá chung cư người mua nên tính toán kỹ lưỡng

Thứ Tư, 09/10/2024 15:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Giá chung cư tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang chứng kiến một cơn sốt tăng vọt chưa từng thấy, đẩy không ít người có nhu cầu mua nhà thực sự vào tình trạng “bị loại khỏi cuộc chơi”. Giờ đây, với mức giá leo thang chóng mặt, giấc mơ này đang trở thành xa vời đối với không ít người trẻ và những hộ gia đình có thu nhập trung bình.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá nhà đất, đặc biệt là chung cư, tăng vọt được Bộ Xây dựng chỉ ra là do sự mất cân đối giữa cung và cầu (Ảnh: VH) 

Trong bối cảnh giá chung cư không ngừng tăng, các chuyên gia bất động sản liên tục đưa ra khuyến nghị về việc cần tỉnh táo, tránh bị cuốn theo cơn lốc giá cả mà quên đi việc cân nhắc giá trị thực của bất động sản.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá nhà đất, đặc biệt là chung cư, tăng vọt được Bộ Xây dựng chỉ ra là do sự mất cân đối giữa cung và cầu. Ở các thành phố lớn, nhu cầu nhà ở luôn cao trong khi nguồn cung lại hạn chế, đặc biệt là trong phân khúc nhà ở trung bình và giá rẻ. Các dự án nhà ở xã hội, vốn được kỳ vọng giúp giải quyết bài toán nhà ở cho người có thu nhập thấp, ngày càng hiếm hoi. Điều này tạo ra một áp lực không nhỏ lên giá cả, đẩy các dự án chung cư tầm trung và cao cấp lên mức giá không ngừng tăng.

Bên cạnh đó, tình trạng thao túng giá trên thị trường cũng được nhắc đến như một nguyên nhân chính. Không ít các nhà đầu tư và môi giới bất động sản đã tận dụng tình trạng khan hiếm nguồn cung để đẩy giá nhà lên cao nhằm kiếm lợi. Việc đấu giá đất ở Hà Nội là một ví dụ điển hình. Khi giá đất được đẩy lên quá cao trong các phiên đấu giá, nhà đầu tư bỏ cọc sau khi đã thổi giá đến mức đỉnh, tạo ra những giao dịch ảo làm nhiễu loạn thị trường. Điều này không chỉ gây tổn thất cho người có nhu cầu mua nhà thực sự mà còn làm giá trị bất động sản bị méo mó.

Chi phí đầu vào tăng cao cũng là một trong những lý do khiến giá chung cư leo thang. Giá đất, giá vật liệu xây dựng, cùng với các chi phí khác liên quan đến phát triển dự án đều tăng trong thời gian qua. Đối mặt với tình trạng này, các chủ đầu tư buộc phải tăng giá bán để đảm bảo lợi nhuận, khiến giá nhà chung cư bị đẩy lên cao hơn bao giờ hết. Điều này càng làm trầm trọng thêm sự mất cân đối giữa cung và cầu, khiến người mua nhà càng khó khăn trong việc tiếp cận với sản phẩm bất động sản.

Thực tế cho thấy, tại nhiều khu vực ở Hà Nội, giá nhà chung cư đã tăng đến mức khó tin. Những dự án nhà ở xã hội vốn trước đây được coi là lựa chọn hợp lý cho người có thu nhập thấp, hiện được rao bán với giá từ 55-60 triệu đồng/m². Trong khi đó, những dự án chung cư cũ trên trục đường Lê Văn Lương, mặc dù đã hoạt động từ lâu, vẫn có giá rao bán từ 65 triệu đồng/m² trở lên. Điều này khiến nhiều người dân, vốn đã tiết kiệm được một khoản tiền để mua nhà, bỗng chốc thấy mình không thể theo kịp mức giá mới.

Chị Trần Thu Hà, một nhân viên văn phòng làm việc tại Hà Nội, chia sẻ rằng chị đã lên kế hoạch mua một căn hộ chung cư từ đầu năm 2023. Sau khi tìm hiểu nhiều dự án, chị nhắm đến một căn hộ tại khu vực Linh Đàm với giá ban đầu khoảng 2,5 tỷ đồng cho căn hộ hai phòng ngủ. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 6 tháng, giá căn hộ tương tự đã tăng lên đến 3,2 tỷ đồng, vượt xa ngân sách của chị. “Tôi cứ nghĩ nếu cố gắng tiết kiệm thêm vài tháng là có thể mua được, nhưng giá tăng quá nhanh, giờ tôi phải chờ đợi thêm và không biết khi nào mới có thể mua nhà”, chị Hà bộc bạch.

Anh Nguyễn Văn Kiên, một chủ doanh nghiệp nhỏ tại khu vực Mỹ Đình, cũng rơi vào tình huống tương tự. Anh dự định mua một căn hộ tại trên địa bàn để vừa ở vừa làm văn phòng công ty, nhưng sau một năm tìm kiếm, giá căn hộ tại khu vực này đã tăng từ 40 triệu đồng/m² lên đến 60 triệu đồng/m². Anh Kiên chia sẻ: “Tôi cứ nghĩ mình đã tìm được một vị trí hợp lý để đầu tư, nhưng giá tăng quá nhanh, tôi không kịp xoay sở. Bây giờ, nếu mua, tôi sẽ phải vay thêm ngân hàng một khoản lớn, và đó là rủi ro tôi không dám mạo hiểm.”

Những câu chuyện như của chị Hà và anh Kiên không phải là hiếm. Việc giá chung cư tăng vọt đã khiến nhiều người mua nhà, dù đã chuẩn bị về tài chính, cũng phải hoãn lại kế hoạch mua nhà hoặc chấp nhận tìm những giải pháp thay thế như thuê nhà.

Trước tình trạng giá chung cư tăng vọt, Chính phủ đã có những biện pháp kiểm soát thị trường bất động sản. Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 quy định rõ các hành vi thao túng giá cả, gian lận trong giao dịch bất động sản sẽ bị nghiêm cấm và xử lý nghiêm. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án và các chủ đầu tư có hiện tượng thổi giá. Đồng thời, các địa phương cũng được yêu cầu thường xuyên công bố thông tin về thị trường bất động sản nhằm đảm bảo tính minh bạch, ngăn chặn các hành vi lừa đảo.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia bất động sản khuyến cáo người mua nhà cần phải tỉnh táo, cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định. Việc đổ xô mua nhà theo cơn sốt giá có thể khiến người mua phải chịu thiệt hại nặng nề nếu thị trường điều chỉnh. “Người mua nhà cần xem xét giá trị thực của bất động sản, tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư, vị trí, tiện ích xung quanh, đồng thời phải tính toán khả năng tài chính của mình,” ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc của Batdongsan.com.vn, khuyến nghị. Ông cũng gợi ý, trong tình hình hiện nay, nếu chưa đủ tiềm lực tài chính, việc thuê nhà có thể là giải pháp hợp lý hơn so với việc mua nhà bằng mọi giá.

Theo báo cáo mới nhất từ Savills Việt Nam, thị trường bất động sản tại Hà Nội dự kiến sẽ hạ nhiệt từ năm 2025 khi nguồn cung nhà ở tăng mạnh. Cụ thể, từ năm 2025 trở đi, khoảng 110.000 căn hộ chung cư từ 106 dự án mới sẽ được tung ra thị trường. Các khu vực ngoại ô như Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm và Hoàng Mai sẽ đóng góp phần lớn nguồn cung này, giúp giảm áp lực tăng giá tại khu vực nội thành. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó giám đốc bộ phận Định giá và Tư vấn tài chính tại Savills Hà Nội, dự báo: “Giá nhà sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn do nguồn cung hạn chế, nhưng từ năm 2025 trở đi, áp lực tăng giá sẽ giảm dần khi các dự án mới đi vào hoạt động.”

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa Nhà nước và các bên tham gia thị trường để ổn định giá cả. Chính phủ cần đẩy mạnh việc phát triển các dự án nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ và phát triển hạ tầng giao thông, nhằm giảm áp lực về giá nhà ở khu vực trung tâm. Đồng thời, việc áp dụng các chính sách thuế tài sản và điều tiết thị trường bất động sản sẽ giúp hạn chế tình trạng đầu cơ, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Trước cơn lốc tăng giá, người mua nhà cần phải tỉnh táo và lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế cũng như khả năng tài chính của mình. Chỉ khi có sự minh bạch từ thị trường và tỉnh táo từ người mua, cơn sốt giá chung cư mới có thể dần hạ nhiệt, tạo điều kiện cho nhiều người dân có cơ hội sở hữu ngôi nhà mơ ước.

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN