Đừng quên “phao cứu sinh”!
(ĐCSVN) - Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ví như “phao cứu sinh”, giảm thiểu rủi ro với sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai BHNN trên phạm vi cả nước rất khó, vì số người tham gia bảo hiểm ít, phí bảo hiểm thấp, doanh nghiệp bảo hiểm cũng đếm trên đầu ngón tay.
Nước ta khởi nguồn từ nền kinh tế nông nghiệp, cuộc sống của đa số người dân chủ yếu dựa vào lúa gạo, hoa màu, vật nuôi, thủy sản... Vẫn biết kinh tế nông nghiệp luôn giữ vai trò trọng yếu, đóng góp nhiều cho sự tăng trưởng GDP, nhưng thực tế sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, diễn biến khó lường.
Nhằm giảm thiểu rủi ro, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, ngày 1/3/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 315 về việc thí điểm thực hiện BHNN giai đoạn 2011 - 2013 tại 21 tỉnh. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được hỗ trợ 80% phí bảo hiểm; hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm.
Sau 3 năm thực hiện thí điểm BHNN, nhiều hộ nông dân, cá nhân và tổ chức sản xuất nông nghiệp đã được bồi thường khi gặp rủi ro, góp phần ổn định cuộc sống, tiếp tục bám nghề truyền thống.
Kinh doanh bảo hiểm là “kinh doanh sự rủi ro”, mà rủi ro với sản xuất nông nghiệp luôn ở mức cao, có thời điểm xếp hàng đầu. Rủi ro với sản xuất nông nghiệp có khi đến từ nguồn giống, quy trình sản xuất, dịch bệnh; có khi từ khí hậu bất thường, thiên tai bất ngờ... Những rủi ro không mong muốn luôn là gánh nặng với nông dân, cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp, và doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm.
Chính sách thí điểm BHNN dù có những thành công, nhưng để triển khai trên phạm vi cả nước dường như rất khó: Đối tượng tham gia bảo hiểm chủ yếu là các hộ nghèo, cận nghèo tham gia vì sự hỗ trợ phí của Nhà nước. Ngược lại, các hộ sản xuất lớn, các chủ trang trại, các doanh nghiệp có điều kiện tham gia bảo hiểm nhưng lại e ngại tham gia. Thị trường bảo hiểm với mức phí còn thấp, ít đối tượng tham gia, làm cho doanh nghiệp bảo hiểm gần như không có lợi nhuận, thậm chí có doanh nghiệp thu phí bảo hiểm được 394 tỉ đồng nhưng phải giải quyết bồi thường lên tới 713 tỉ đồng. Thu không đủ chi, không tạo ra sức hút với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm, đồng thời cũng làm thị trường bảo hiểm nông nghiệp không vận hành như nguyên lý thị trường.
Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về BHNN cho phù hợp với thực tiễn, và tháo gỡ những bất cập nêu trên, chắc chắn việc “phủ sóng” BHNN trên phạm vi toàn quốc sẽ được hóa giải ở tương lai gần.
Sản xuất nông nghiệp luôn lo sợ khí hậu bất thường, thiên tai bất ngờ... cũng giống như người đi biển là không bao giờ được quên “phao cứu sinh”. So sánh như thế chắc không quá!