Dùng nước lãng phí, hạn hán sẽ khốc liệt hơn
(ĐCSVN) - Đó là khẳng định của TS. Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm Tây Nguyên (Viện KHKT Nông Lâm Tây Nguyên) khi đề cập đến tình hình hạn hán và những giải pháp tập trung cho công tác chống hạn hiện nay.
Theo TS. Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện KHKT Nông Lâm Tây Nguyên: Tình hình hạn hán hiện nay và có thể còn kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất cũng như đời sống người dân, trong đó hạn nặng nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Nam bộ.
“Hạn hán diễn ra khốc liệt, kéo dài từ năm 2015 sang là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Tuy nhiên, con người vẫn có thể hạn chế được những tác động mà El Nino gây ra nếu biết làm tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rừng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều nơi chúng ta đang làm ngược lại; ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề, hiện tượng hiệu ứng nhà kính trầm trọng hơn, trong khi đó hệ thống rừng, cây xanh ngày càng bị tàn phá, cạn kiệt. Chính rừng bị tàn phá đã làm cho nguồn nước nhiều nơi không giữ được, và vì thế người nông dân không chủ động được nguồn nước tưới cho cây trồng. Điều đáng nói hơn là hạn hán, thiếu nước hiện nay ở miền Trung - Tây Nguyên và Nam bộ nước ta đang diễn ra cả về bề mặt (sông, suối, ao, hồ…) và cả nguồn nước ngầm”- TS. Trần Vinh khẳng định.
Cũng theo TS. Trần Vinh, khu vực Tây Nguyên nước ta có lượng mưa trung bình hằng năm từ 1.800-2.000mm. Đây là lượng mưa không ít nhưng phần lớn lượng mưa đó trôi xuống sông, xuống biển. Nếu trong mùa mưa chúng ta không giữ được nước thì 6 tháng mùa khô chắc chắn sẽ thiếu nước tưới.
“Thiếu nước, người dân đua nhau khoan giếng, một cái giếng khoan mất mấy chục triệu, nếu may mắn khoan xuống là có nước, có nhiều hộ khoan vài điểm, mất cả trăm triệu đồng mà cũng không tìm ra nguồn nước để chống hạn. Đây là vấn đề cấp bách và hết sức nguy hiểm, nếu một người khoan sẽ không là vấn đề nhưng nếu hàng trăm, hằng nghìn người khoan trên một khu vực nào đó sẽ làm cho mực nước ngầm tụt nhanh, ô nhiễm nguồn nước ngầm. Điều này đã và đang diễn ra tại nhiều nơi không chỉ ở Tây Nguyên mà cả khu vực duyên hải miền Trung và Nam bộ”- TS.Trần Vinh chia sẻ.
Có một thực tế là tại Tây Nguyên hiện nay việc sử dụng nguồn nước đang rất lãng phí, người dân chưa có ý thức giữ nguồn nước. “Vì thế, nếu cứ tiếp diễn như thế này chỉ vài năm nữa tình trạng hạn, thiếu nước sẽ khốc liệt hơn. Khi đó nắng hạn gay gắt sẽ không còn nước để chống hạn, hàng nghìn ha cà phê, hồ tiêu thiếu nước, chết héo”- TS.Trần Vinh cho biết.
Để hạn chế những thiệt hại do hạn hán gây ra, TS.Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện KHKT Nông Lâm Tây Nguyên cho biết: Có 3 giải pháp căn cơ cần tập trung hiện nay, trong đó, trước hết là phải trồng rừng. Chúng ta không nên trồng rừng cục bộ mà cần phát triển rừng tại nhiều địa bàn. Thời gian qua, chúng ta phát triển trồng rừng rất cục bộ, chỉ trồng rừng ở đất lâm nghiệp là chưa đủ. Đơn cử như mô hình phát triển kinh tế rừng ở M’ Đrắk (Đắk Lắk), được coi là điểm sáng phát triển kinh tế rừng và bảo bệ môi trường, trong khi đó các nơi khác không làm được như vậy nên không đủ để giữ nước, trong khi đó hạn đang diễn ra trên diện rộng. Đồng thời trồng rừng phải đi đôi với việc bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, nếu không bảo vệ, phát triển được rừng thì rất khó giữ được nước. Theo TS. Trần Vinh thì để làm được điều này các cơ quan nhà nước, nhân dân cần vào cuộc quyết liệt, kịp thời và có trách nhiệm làm sao bảo vệ rừng, trồng rừng để tăng độ che phủ nhằm giữ được lượng nước bề mặt.
Tuy nhiên, đối với đất nông nghiệp, trong điều kiện hạn hán như hiện nay, giải pháp thứ 2 theo TS.Trần Vinh là phải đa dạng hóa cây trồng, đặc biệt là những cây ít sử dụng nước nhưng vẫn cho thu nhập cao nhằm tạo bóng tăng ẩm, hạn chế mất nước.
Thứ 3 là việc sử dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm như tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa… cần được người dân quan tâm, đầu tư vì vừa tiết kiệm nước, đồng thời tiết kiệm chi phí tưới tiêu/1 đơn vị diện tích. “Hiện nay, Viện KHKT Nông Lâm Tây Nguyên đã nghiên cứu và triển khai thí điểm công nghệ tưới tiết kiệm cho cây cà phê giảm được 20% lượng nước tưới, 20% phân bón và 15% công lao động. Công nghệ tưới tiết kiệm này dựa trên kỹ thuật được cải tiến tưới nhỏ giọt của nước ngoài và kế thừa công nghệ tưới tiết kiệm cho cây ăn trái của Vùng Đông Nam bộ được Viện KHKT Nông Lâm Tây Nguyên nghiên cứu, triển khai từ 2 năm nay. Công nghệ này đơn giản, sử dụng các đường ống nhỏ, trong đó có các van khóa để điều chỉnh nước ra cho từng gốc cà phê. Ví dụ, đợt đầu chúng tôi cần tưới 400 lít/gốc để đủ nước ra hoa thì chúng ta chủ động điều chỉnh máy đủ 400 lít, tưới xong tắt. Các lần sau chỉ cần 200/lít/lần tưới để giữ ẩm cho cây. Cách làm này chúng ta sẽ tính toán được lượng nước cần tưới”- TS.Trần Vinh cho biết.
Mô hình tưới nước tiết kiệm phun mưa của Viện KHKT Nông Lâm Tây Nguyên
Ngoài các biện pháp trên, TS.Trần Vinh cũng lưu ý bà con nông dân trong sản xuất nên đưa vào trồng các loại cây ít cần nước, hiệu quả kinh tế cao như: cây bơ, sầu riêng, mắc ca…TS Vinh khuyên bà con nông dân nên dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bởi trong điều kiện hạn hán ngày càng gay gắt như hiện nay, chỗ nào cũng phát triển cà phê thì rất khó. Hiện tại Tây Nguyên có tới trên 80% diện tích cà phê là của dân, do vậy các địa phương cần nâng cao nhận thức cho bà con trong triển khai chuyển đổi cây trồng theo quy hoạch của nhà nước.
“Tuy nhiên, giải pháp quan trọng là chúng ta phải có ý thức bảo vệ nước, không sử dụng lãnh phí. Thực tế hiện nay vùng thừa nước người dân tưới tràn lan, rất lãng phí. Đồng thời chúng ta phải tăng cường quản lý nguồn nước, đặc biệt là quản lý chặt chẽ việc khai thác nước ngầm. Nếu cứ một đến hai ha khoan một cái giếng thì Tây Nguyên chắc chắn không còn nước ngầm, ảnh hưởng tới tương lai”, TS.Trần Vinh lưu ý.
Bên cạnh các giải pháp vừa nêu, trong cuộc trao đổi này, TS.Trần Vinh cho rằng cần tiếp tục thực hiện tốt các chương trình thủy lợi nhằm giữ tốt nguồn nước mặt, phục vụ cho sản xuất. “Chúng ta phải chủ động giữ nước ngay từ trước khi mùa khô đến", TS Vinh cho biết./.