Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đừng để nỗi lo thường trực "đi chợ bây giờ không biết mua thứ gì là an toàn"

Thứ Tư, 04/05/2016 10:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) Hiện nay, cụm từ “thực phẩm bẩn” trở nên phổ biến và được sử dụng ở nhiều nơi. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang gây nhiều lo lắng cho người tiêu dùng. Mọi thứ đều có thể không an toàn, đều có thể bị nhiễm độc…

 


Ảnh minh họa: Nguồn Vitalk.vn

 

Ngày 27/4 mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về vệ sinh an toàn thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Không thể một vấn đề lớn trong xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến nhân dân như vậy mà không ai chịu trách nhiệm. Ở xã chịu trách nhiệm ở xã, huyện chịu trách nhiệm của huyện, tỉnh và trung ương cũng vậy.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải làm rõ vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, quy trách nhiệm người đứng đầu để phát huy hiệu quả vấn đề ngăn chặn thực phẩm bẩn. 

Có quá tiêu cực khi nói, người ta đi chợ bây giờ không biết mua thứ gì là an toàn và không thể xác định được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch. Ngay cả những túi rau, củ, quả được gắn mác an toàn bày bán trong các siêu thị giờ cũng không còn được người tiêu dùng tin cậy. Từ mớ rau, con gà, cân thịt đến các loại thực phẩm chức năng…đều có nguy cơ là những thực phẩm bẩn và không an toàn cho người tiêu dùng. Tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, chất cấm một cách bừa bãi trong chế biến nông sản, chăn nuôi của các hộ dân và các cơ sở sản xuất chính là một trong những nguyên nhân tạo ra những sản phẩm không an toàn, thực phẩm bẩn.

Số vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra thường xuyên, một số vụ ngộ độc ở bếp ăn tập thể với hàng nghìn người phải nhập viện. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm có khoảng 170 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 7 nghìn người trúng độc và 37 người chết. Người tiêu dùng quả là quá khó để tin cậy với những loại thực phẩm được bán trên thị trường, trong khi hàng ngày họ vẫn tiếp nhận thông tin từ báo chí và cơ quan chức năng tiếp tục phát giác những cơ sở sản xuất, chế biến và buôn bán thực phẩm bẩn.

Mới đây, ở Thành Phố Hồ Chí Minh, người tiêu dùng lại biết đến vụ việc 80 con heo có chất cấm Salbutamol suýt vào hệ thống của Vissan, điều đặc biệt là số heo này có nguồn gốc từ một cơ sở chăn nuôi heo được Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP nông hộ (heo sạch). Công ty Vissan là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp thịt heo trên thị trường, thiếu chút nữa đã để lọt thịt heo “bẩn” nhưng được đóng mác thực phẩm sạch bán ra thị trường. 

Trước đó, vụ việc Giấm gạo được pha trực tiếp từ axit axetic và nước lã gây phẫn nộ cho cộng đồng; sử dụng dầu nhớt thải để tưới cho rau muống ở làng rau ở một số địa phương, hay một số cửa hàng rau sạch nhưng có thực sự “sạch” như lời quảng cáo hay không, khi mà nguồn gốc xuất xứ vẫn còn lập lờ đánh lận con đen. 

Chỉ vì lợi mình mà không cần biết đến người khác, gây hại cho người khác là một tội ác, tội ác ấy sớm hay muộn gì thì cũng sẽ bị phát giác, bị truy cứu trách nhiệm bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền. Quan trọng hơn cả đó là lương tâm và đạo đức của con người, cuộc đời bao giờ cũng rất công bằng bởi quy luật nhân quả, người làm việc xấu thì không thể có kết quả tốt đẹp được. Không thể chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà các cơ sở sản xuất, cũng như những người trực tiếp làm công tác sản xuất, nuôi, trồng, buôn bán cung cấp cho thị trường những sản phẩm bẩn, gây nguy hại đến sức khỏe đời sống cho đồng bào mình. Hệ lụy lâu dài của những cái chết dần, chết mòn là nhãn tiền, phải chăng khi sản xuất, buôn bán những thứ gọi là thực phẩm bẩn kia, những cơ sở sản xuất và những con người ấy đã không còn chút lương tâm và đạo đức (?!) 

“Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ lại ngắn đến thế” là phát biểu của một vị đại biểu đã làm nóng nghị trường Quốc hội và dư luận như một cảnh báo về thực phẩm bị nhiễm chất độc hại, chất cấm đã trở nên rất nghiêm trọng - thủ phạm chính gây nguy cơ gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng. Trong thời gian vừa qua, có khá nhiều những vụ thực phẩm bẩn được cơ quan chức năng phát hiện và báo chí thông tin. Vấn đề an toàn thực phẩm đã trở thành nỗi lo của nhiều người dân, của cơ quan quản lý nhà nước các cấp. 

Cùng với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ trong "cuộc chiến" đẩy lùi thực phẩm bẩn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với các giải pháp đồng bộ như: Hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng các chế tài xử phạt vi phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; tăng cường sự phối hợp có trách nhiệm, thực chất của các cơ quan chức năng và thực hiện các chiến dịch truyền thông trung thực, khách quan, hiệu quả, bền bỉ. Cùng với đó, cần sự chung tay của toàn xã hội, của mọi người dân ủng hộ thực phẩm sạch, đồng thời tẩy chay, lên án các hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm bẩn.

Mong sao các giải pháp nêu trên đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong thực tiễn, để người dân bớt được nỗi lo thường trực "không biết mua thứ gì là an toàn"./.

Nguyễn Khắc Trường

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN