Đừng để lãng phí niềm tin
(ĐCSVN) - Những lãng phí vô hình mặc dù rất khó định lượng, đong đếm nhưng lại có sức tàn phá, nguy hại hơn nhiều, làm lãng phí nguồn lực quý giá của quốc gia, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân về cuộc chiến chống lãng phí, tham nhũng.
Mới đây, Quốc hội đã dành trọn một ngày để nghe và thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, tập trung vào khu vực công trên địa bàn cả nước với 5 nội dung trọng điểm, gồm quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; vốn nhà nước khác; tài sản nhà nước; lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên.
Theo đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Nhiều dự án sau hơn 10 năm vẫn là bãi đất hoang. Ảnh minh họa. Nguồn: TL. |
Tuy nhiên, qua kết quả giám sát cũng cho thấy, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, từ lãng phí nguồn nhân lực đến lãng phí ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản.
Trong đó, có thể kể đến những con số “biết nói” như: 3.085 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2021 có thất thoát, lãng phí, trên 39 nghìn hecta đất các lâm trường, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; trên 305 nghìn hecta đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất. Đáng chú ý, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 150.167 tỷ đồng, 63.200ha đất; tổng giá trị thiệt hại, thất thoát, lãng phí của các vụ án đã kết luận, xét xử là 31.795 tỷ đồng...
Cử tri, người dân không khỏi xót xa, bức xúc trước hàng nghìn dự án chậm tiến độ, thất thoát, lãng phí và có xu hướng tăng lên qua các năm, trong đó hầu hết các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, sự phát triển kinh tế - xã hội; thậm chí có dự án gần 20 năm vẫn nằm trên giấy...Đặc biệt, nhiều dự án lớn đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả, thua lỗ, thất thoát rất lớn nguồn vốn của Nhà nước.
Đây thực sự là những con số rất đáng báo động và rất có thể còn chưa phản ánh đầy đủ bức tranh về thực trạng lãng phí, thất thoát trong xã hội của đất nước ta hiện nay.
Hay có những lãng phí không nhỏ, đó là lãng phí trong việc sử dụng tài sản công, xe công, trụ sở làm việc. Đó là chưa kể tới những lãng phí vô hình như lãng phí thời gian, lãng phí trong việc sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”… Lớn hơn nữa là lãng phí trách nhiệm, lãng phí niềm tin, những lãng phí vô hình mặc dù rất khó định lượng, đong đếm nhưng lại có sức tàn phá, nguy hại hơn nhiều, làm lãng phí nguồn lực quý giá của quốc gia, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân về cuộc chiến chống lãng phí, tham nhũng.
Tuy Luật Thực hành, tiết kiệm chống lãng phí sửa đổi có hiệu lực được hơn 8 năm, nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa thực sự ngăn chặn được tình trạng lãng phí trên nhiều lĩnh vực. Luật quy định trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình trạng lãng phí, song theo phản ánh của một số đại biểu trên diễn đàn Quốc hội việc xử lý, quy trách nhiệm là vô cùng khó khăn và hiếm hoi. Đây cũng là thách thức không nhỏ trong việc thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí!.
Thực tế cho thấy, tham nhũng thì có thể "điểm mặt, chỉ tên" và bị coi là tội phạm nhưng lãng phí thì lại rất vô hình, khó định lượng, dường như lâu nay chỉ bị coi là khuyết điểm, trong khi lãng phí đáng lên án, nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại lớn hơn rất nhiều.
Có thể thấy, chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội bước đầu đã có tác động làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Điều đó cho thấy Quốc hội đã chọn trúng và đúng vấn đề giám sát, tuy nhiên câu hỏi được nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất lãng phí lớn này?
Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào vào thực chất hơn, hiệu quả hơn, nhiều ý kiến cho rằng, Đảng và Nhà nước ta cần có chiến lược xây dựng cho được trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, tổ chức và toàn xã hội về văn hóa tiết kiệm, trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với việc thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật và chế tài mạnh đối với các hành vi gây lãng phí, thất thoát tài sản công. Đi cùng với đó đề cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao năng lực cán bộ cũng là một giải pháp hữu hiệu cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ở đây, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết bởi những kẽ hở, mâu thuẫn chồng chéo trong pháp luật đang tạo ra các điểm nghẽn, là lực cản lớn cho sự phát triển của đất nước, đánh mất và lãng phí nhiều cơ hội cho sự phát triển của đất nước.
Chỉ khi tiết kiệm, chống lãng phí trở thành quốc sách, lối sống văn hóa, đạo đức của mỗi con người và toàn xã hội, thì công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí mới có thể thực sự đi vào thực chất và phát huy hiệu quả cao./.