Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 1: Đừng để khát vọng hùng cường chỉ là "giấc mơ"

(ĐCSVN) - Khát vọng hùng cường không chỉ là mục tiêu của riêng quốc gia nào trên thế giới. Có điều, nếu chưa xác định được lợi thế so sánh và năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như nguồn lực để hiện thực hóa, đặc biệt là ý chí hành động của cả dân tộc thì rất có thể khát vọng hùng cường cũng chỉ là “giấc mơ”.

Nguồn lực nào cho khát vọng hùng cường?

 

Làm sao huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của xã hội để phục vụ cho phát triển đất nước là câu hỏi lớn không chỉ đối với riêng nước ta; đây là bài toán hóc búa, không dễ tìm lời giải trong một sớm một chiều, có khi phải đánh đổi bằng nhiều năm, thậm chí là nhiều thế hệ. Nhưng, một đất nước muốn trở nên thịnh vượng thì nhất định phải xác định được lợi thế so sánh của quốc gia (bao gồm lợi thế tương đối và lợi thế tuyệt đối) cũng như phải huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của xã hội cho các mục tiêu phát triển của đất nước và xa hơn là hiện thực hóa khát vọng hùng cường cho dân tộc mình.

Trong xã hội phong kiến trước đây, đề cập về sự thịnh - suy của xã hội, các bậc tiền nhân có câu: “Phi nông bất ổn; Phi công bất phú; Phi trí bất hưng; Phi thương bất hoạt”, có nghĩa là các trụ cột: nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục - đào tạo và thương mại nếu bị thiếu, bị yếu hoặc bỏ sót thì xã hội không thể phát triển và hưng thịnh được. Khẳng định này có tính trụ cột, nền tảng và mang ý nghĩa sống còn trong việc chấn hưng xã hội cũng như huy động và sử dụng các nguồn lực của xã hội đối với việc quản trị nhà nước trong xã hội phong kiến ở nước ta trước đây. Đặc biệt, việc quý trọng và đề cao nguồn lực trí thức, trí tuệ đến nay vẫn còn nguyên giá trị tham khảo cho hậu thế…

Để huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của xã hội, trước tiên phải xác định được các nguồn lực hiện có của xã hội là những gì, bao gồm cả nguồn lực hữu hình và nguồn lực vô hình, cũng như đâu là nguồn lực hữu hạn, đâu là nguồn lực vô hạn (có thể gia tăng, phát triển)… Cụ thể, nguồn lực hữu hình chính là lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, đất đai, tài nguyên khoáng sản, dự trữ tài chính quốc gia…; cũng như nguồn lực vô hình đến từ con người, là trí tuệ, tư duy, phát minh, sáng chế, là các sản phẩm khoa học, công nghệ… Những nguồn lực này hiện có như thế nào và được sử dụng ra sao vẫn là một câu hỏi nan giải!

Ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nào là chủ lực, mang giá trị cốt lõi sẽ trở thành mục tiêu chiến lược quốc gia; sản phẩm, hàng hóa nào sẽ trở thành thương hiệu quốc gia để khi nhắc đến, nói đến thì khách hàng quốc tế đều biết đó là hàng hóa của Việt Nam, do Việt Nam sản xuất - “made in Vietnam”. Không dễ để có được những điều này, nếu hoạch định chiến lược quốc gia, quy hoạch vùng và địa phương chưa xác lập được tầm nhìn dài hạn hoặc thiếu đồng bộ, phù hợp với các nguồn lực…

Người dân không khỏi băn khoăn làm sao để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường? Bằng cách nào, bao lâu nữa…? Trong khi mọi nguồn lực của đất nước còn eo hẹp? Nói như dân gian “có thực mới vực được đạo”… tương tự, có thể sẽ có nhiều góc nhìn, khía cạnh đánh giá khác nhau và những câu hỏi kèm theo cả những thắc mắc, lo lắng, hoài nghi… cũng là đương nhiên, lẽ thường. Nhưng với vai trò quản lý nhà nước, quản trị quốc gia thì các nhà lãnh đạo nhất định phải xác định được đâu là lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh quốc gia và đâu là những nguồn lực hiện có của đất nước, cũng như làm sao để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực này cho phát triển đất nước. Muốn vậy thì công tác thống kê và các chỉ số thống kê phải đáng tin cậy, chứ không chỉ là những con số thành tích làm đẹp báo cáo…

Nếu không, người dân chỉ biết rằng Việt Nam được cho là có những lợi thế về vị trí địa lý và nhiều ưu đãi về tự nhiên, có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, “rừng vàng, biển bạc”, có bờ biển dài với nhiều vịnh biển đẹp nổi tiếng thế giới như vịnh Hạ Long, vịnh Đà Nẵng, vịnh Nha Trang… Những lợi thế này nếu biết cách khai thác sẽ là điểm tựa vững chắc cho “ngành công nghiệp không khói” phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, sức hút du lịch của nước ta vẫn thiếu hấp dẫn, doanh thu tài chính của lĩnh vực này chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Nguyên nhân cũng đã được chỉ ra, đó là những hạn chế về tư duy và phương pháp quản lý, là cách làm “chộp giật - chặt chém”, dịch vụ thiếu chuyên nghiệp, chưa có chiến lược kinh doanh phù hợp, dài hơi… tức là vấn đề con người, liên quan đến con người chứ không phải yếu tố nào khác. Nhưng tại sao những bất cập, hạn chế này vẫn chưa được khắc phục triệt để, tư duy “ăn xổi ở thì” đã vô tình làm triệt tiêu nguồn lực tự nhiên của quốc gia đầy tiềm năng này.

 

Nguồn lực đất đai, tài nguyên thì có hạn, nhưng cũng chưa tận dụng được tối đa lợi thế từ những nguồn lực này, việc tích tụ đất đai, “dồn điền đổi thửa” vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc… vô tình làm chậm quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn cũng như phát triển liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và cung ứng hàng hóa lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nông thôn… vì thế mà các sản phẩm nông lâm sản của người dân cứ được mùa là mất giá, được giá lại mất mùa hoặc hễ có biến động bất thường của thị trường là cộng đồng lại phải kêu gọi giải cứu.

Vấn đề thương mại và cán cân xuất nhập khẩu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài cũng còn nhiều điểm phải suy nghĩ. Hàng hóa nào của Việt Nam được bạn bè quốc tế yêu thích, có giá trị xuất khẩu lớn mang lại cân bằng cán cân xuất - nhập khẩu và giá trị thặng dư cho đất nước? Mặc dù mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng cho đến hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; còn các tập đoàn kinh tế, công ty nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc khai thác về đất đai và nhân công giá rẻ, còn tỉ lệ nội địa hóa hoặc cho phép chúng ta tham gia vào công nghệ, bí quyết sản xuất… hầu như rất thấp hoặc họ chưa muốn chia sẻ với chúng ta, vô hình trung, chúng ta lại trở thành nước xuất khẩu hộ quốc gia khác.

Nguồn lực khoa học & công nghệ có những bước tiến quan trọng, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và củng cố quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, tinh thần khoa học, văn hóa đổi mới sáng tạo chưa thấm sâu vào tư duy, nhận thức cộng đồng xã hội, nhất là tư duy về cách mạng công nghiệp 4.0. Khoa học & công nghệ Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thật sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội; chưa có sản phẩm khoa học & công nghệ nổi tiếng thế giới cũng như có thể xuất khẩu…

Nguồn nhân lực là một trong những nguồn lực quan trọng nhất trong các nguồn lực nhưng Việt Nam lại chưa thực sự khai thác hiệu quả được nguồn lực này, nhất là nguồn nhân lực trí thức, trí tuệ cao... Đơn cử là chúng ta chưa thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học đang công tác và giảng dạy ở các trường Đại học, viện nghiên cứu trên thế giới; các học sinh, du học sinh, sinh viên có học lực tốt, đạt kết quả cao ở các cuộc thi trong nước và quốc tế vào làm việc trong bộ máy nhà nước. Việt Nam không những chưa hấp dẫn và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn có nguy cơ “chảy máu chất xám” là hiện hữu.

Hơn nữa, tuy chúng ta đang trong thời kỳ có cơ cấu “dân số vàng” nhưng cơ hội và thách thức luôn đan xen, có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình hay không, câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước. Lực lượng lao động trẻ, dồi dào nhưng chất lượng lao động chưa đồng đều; lao động giản đơn, lao động phổ thông chưa qua đào tạo vẫn chiếm tỷ lệ lớn và chủ yếu làm công nhân ở các khu công nghiệp hoặc làm nông nghiệp ở các vùng nông thôn. Lao động xuất khẩu đi lao động ở nước ngoài cũng chủ yếu làm công nhân và những công việc nặng nhọc, giản đơn… chưa phải là chuyên gia, lao động chất lượng cao. Đáng chú ý là chênh lệnh về mức năng suất lao động Việt Nam với các nước vẫn còn khoảng cách khá xa, năm 2019 năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7,64% mức năng suất của Singapore; 19,53% của Malaysia; 37,92% của Thái Lan; 45,56% của Indonesia; 56,88% của Philippines; 88,05% của Lào. Năng suất lao động của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 1,6 lần).

Hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật (giao thông, đường xá, bệnh viện, trường học…) mặc dù đã có những bước phát triển, đáp ứng phần nào yêu cầu phát triển kinh tế xã hội nói chung. Tuy nhiên sự xuống cấp của hệ đường sắt, giao thông đường bộ quá tải, tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn đang là nỗi lo lắng gây nhức nhối cộng đồng cũng như làm tăng chi phí xã hội. Ô nhiễm môi trường, rác thải sinh hoạt, khói bụi và rác thải công nghiệp… hiện tại đang đặt ra những thách thức không nhỏ, tác động trực tiếp đến việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của xã hội…

Giải pháp nào để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực?

Thực trạng cho thấy, các nguồn lực của chúng ta có không ít tồn tại, bất cập... Để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đất nước, đã có không ít những bài viết phân tích, những ý kiến đóng góp của các học giả, chuyên gia, các nhà nghiên cứu, lão thành cách mạng, cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà nước và người dân chỉ ra những nhóm giải pháp phù hợp để kiến giải cho khát vọng Việt Nam hùng cường. Một trong những nhóm giải pháp được đề cập nhiều nhất vẫn là phải đổi mới tư duy quản lý nhà nước, quản trị quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.

Đến nay, chúng ta không thiếu, không yếu về lý luận cũng như giải pháp, nhưng công tác quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực hiện vẫn còn hạn chế, bất cập; phân bổ và sử dụng các nguồn lực chưa hợp lý; hiệu quả chưa cao, nhiều trường hợp chưa thực sự theo cơ chế thị trường, gây lãng phí và làm cạn kiệt nguồn lực của đất nước. Công tác quản lý nhà nước đã bộc lộ những yếu kém trong quá trình vận hành, khâu thực hiện vẫn là một trong những khâu yếu nhất, tồn tại không ít bất cập, hạn chế, biểu hiện là tình trạng trì trệ, đùn đẩy, “đá bóng” trách nhiệm ở các cơ quan quản lý nhà nước, hay “trên nóng dưới lạnh”, “dân cần nhưng quan không vội”… Những tồn tại này đã tạo ra những rào cản không nhỏ cho phát triển đất nước, nguyên nhân một phần là do thể chế, cơ chế chính sách, nhưng chủ yếu vẫn là con người - do năng lực hoặc cố tình gây phiền hà, sách nhiễu hòng mưu lợi cá nhân, lợi ích nhóm và tham nhũng của một bộ phận cán bộ, lãnh đạo, quản lý nhà nước.

Như vậy, muốn huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước, nhất định phải thay đổi tư duy quản lý nhà nước, tức phải loại bỏ các thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách còn nặng hoặc mang hơi hướng xin-cho. Không để xã hội tồn tại tâm lý “nhất thân, nhì quen” trong mọi hoạt động giao dịch xã hội, bất kể đó là việc gì, từ đi viện khám chữa bệnh, xin học, đăng ký đất đai cho đến khai tử…, nhất là khi phải làm việc với cơ quan công quyền, hễ ai (kể cả cán bộ nhà nước lẫn thường dân) cứ có việc gì là phải tìm kiếm các mối quan hệ thân quen nhờ vả để được xử lý, giải quyết nhanh chóng, có như vậy mới an tâm, nếu không sẽ lo bị sách nhiễu, phiền hà… đó là tình trạng có thật vẫn tồn tại trong xã hội ta hiện nay.

 

Nhất định phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học & công nghệ trong mọi hoạt động của xã hội, nhất là trong quản trị nhà nước; vận hành hiệu quả Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số. Ứng dụng công nghệ thông tin để tích hợp và đồng bộ dịch vụ công nhằm công khai minh bạch mọi cơ chế, chính sách; đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, cơ chế để “không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng” tồn tại trong xã hội; có biện pháp quản lý sự minh bạch nguồn gốc tài sản trong sở hữu và giao dịch toàn xã hội. Duy trì xã hội “không tiền mặt” góp phần hạn chế tình trạng tham ô, tham nhũng của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước cũng như trong nền kinh tế nói chung. 

Phải đổi mới giáo dục - đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, giáo dục chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước, quyết định tương lai của dân tộc. Tuy ngành giáo dục đã có nhiều đổi mới, liên tục cải cách và đạt được những kết quả nhất định, nhưng thiết nghĩ, để cải cách giáo dục thực sự có hiệu quả lâu dài, ngành giáo dục nên tham khảo những nền giáo dục phát triển nhất trên thế giới xem họ đã làm những gì khác ta, cái gì giống ta; liệu họ có gì để chúng ta học hỏi được không, hay giáo dục Việt Nam vẫn cứ mãi điệp khúc cải cách?

Một đất nước có trở nên hùng cường hay không, trước hết thuộc về khả năng truyền cảm hứng từ các nhà lãnh đạo tới người dân. Biến mục tiêu, khát vọng thành hành động, thành tầm nhìn và tư duy lãnh đạo, nhất là kỹ năng và cách tiếp cận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà nước trong bộ máy công quyền phải được đổi mới theo hướng kiến tạo và phục vụ. Tất cả hướng về mục tiêu khát vọng hùng cường của dân tộc, cùng nhau đoàn kết, khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng của toàn dân với tinh thần quốc gia khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp… theo đó là ý chí hành động của cả dân tộc vì mục tiêu hùng cường của đất nước. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định: “Bất cứ quốc gia - dân tộc nào muốn trở nên thịnh vượng đều phải huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phục vụ cho phát triển…”

Không có nguồn lực, không huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả thì không thể hiện thực hóa khát vọng hùng cường, nguồn lực thiếu thì khâu thực hiện phải tốt, ý chí, nghị lực phải mạnh mẽ. Quan trọng hơn là phải xác định được lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh quốc gia là những gì (công nghiệp, nông nghiệp hay dịch vụ,…), cơ hội nào và đâu là giá trị cốt lõi cần thúc đẩy; đâu là những giá trị kế thừa có chọn lọc để học hỏi từ những quốc gia thành công đi trước… thống nhất biến thành thông điệp truyền thông sâu rộng đến toàn dân về mô hình, hướng đi chiến lược phát triển đất nước mà chúng ta theo đuổi. 

Khát vọng hùng cường có lẽ không chỉ là mục tiêu của riêng quốc gia nào trên thế giới. Có điều, nếu chưa xác định được lợi thế so sánh và năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như nguồn lực để hiện thực hóa, đặc biệt là ý chí hành động của cả dân tộc thì rất có thể khát vọng hùng cường cũng chỉ là “giấc mơ”./.

Bài 2: Khát vọng hùng cường & tư duy lãnh đạo

Bài 3: Khát vọng hùng cường & bài học về sự trỗi dậy

Bài 4: Khát vọng hùng cường & bản lĩnh Việt Nam  

Bài 5: Khát vọng hùng cường & hiện thực hoá ở Việt Nam

 

 

Khắc Trường
10/04/2021 10:06
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN