Đừng đẩy “Cậu Vàng” vào bi kịch...
(ĐCSVN) – Bộ phim "Cậu Vàng" sau khi công chiếu đang nhận được vô vàn ý kiến trái chiều cũng như tranh cãi của các khán giả. Lấy cảm hứng từ các tác phẩm của cố nhà văn Nam Cao, bộ phim của đạo diễn Trần Vũ Thủy đang tạo ra một "cơn bão" thực sự trong cả giới truyền thông lẫn số đông người yêu thích nghệ thuật thứ 7.
Nghệ sỹ Viết Liên vào vai Lão Hạc trong Cậu Vàng (ảnh: tuoitre.vn) |
Cùng các bộ môn nghệ thuật khác, điện ảnh chưa bao giờ là một thế giới quan có thể làm vừa lòng tất cả. Ngay cả những tác phẩm được xem kinh điển của thế giới cũng được chia làm nhiều thể loại, không thường có tính phù hợp đại chúng. Hàng loạt những siêu phẩm được xem là chủ đề gây ấn tượng với người này, nhưng lại nhạt nhẽo hoặc khó hiểu với người khác. Trong quá khứ, không ít các bộ phim có đầu tư cao còn bị tẩy chay và cấm chiếu ở nhiều nước vì các vấn đề liên quan tới bạo lực, nhạy cảm hay tôn giáo. Nói vậy để hiểu rằng, đánh giá một tác phẩm điện ảnh không hề đơn giản và đơn thuần ở một khía cạnh nào đó. Ở đây, chúng ta đang nói về những tranh luận phi chuyên môn nhiều hơn có liên quan tới hình ảnh “Cậu Vàng” sau khi công chiếu.
Dưới ngòi bút của Nam Cao, bi kịch của người nông dân trước năm 1945 đã được đẩy lên dữ dội và hiện thực hóa ở cấp độ rất cao. Một kịch bản pha trộn giữa hàng loạt truyện ngắn chắc chắn không thể làm hài lòng những người khó tính. Đó là độ dày của các tuyến nhân vật, là độ chênh giữa khung cảnh phóng tác và đời thật, là những sự cầu toàn nhất định khi đạo diễn không muốn bỏ lỡ những cung đoạn thăng hoa, hay chí ít, đó còn là “nhân vật chính” – Cậu Vàng xuyên suốt bộ phim được tìm tòi và huấn luyện lại không phải giống chó ta.
Tuy nhiên, mọi thứ có vẻ đã đi quá xa khi Cậu Vàng rơi vào bi kịch của một chiếc máy xay sinh tố khổng lồ mang tên “truyền thông”. Lấy ví dụ, ai cũng biết giống chó Shiba Inu thuần chủng là một đặc sản của nước Nhật nếu nói về tính biểu cảm tự nhiên của khuôn mặt cũng như độ khôn ngoan. Trước khi casting, chú chó của “Lão Hạc” đã vượt qua những yêu cầu khắt khe nhất, những ứng viên nặng ký nhất để đạt chuẩn của ekip làm phim. Đó chỉ là điểm khởi đầu, trước khi nó được đặt vào những điều kiện khắc nghiệt và đòi hỏi kiên nhẫn cao từ các HLV chó nghiệp vụ. Nhưng ngay cả những người chưa hề đặt chân đến rạp cũng đã vội vã chê trách đoàn làm phim về yếu tố sính ngoại, mà quên mất câu chuyện về chuyên môn đã được đặt ra ngay từ đầu. Đó là điều khá đáng tiếc khi đối chiếu với những nỗ lực mà những người con của cố NSND Bùi Cường muốn tạo nên. Và nếu như Vũ Thủy đã nói rằng, anh muốn tạo ra một thông điệp về tính nhân-quả, về sự bế tắc và phản kháng, về bão táp và tình người, có lẽ những tiểu tiết như khung cảnh múa lân, rối nước, hay giống chó Shiba… nên chăng cần được xem xét dưới lăng kính vị tha hơn. Một bộ phim đầu tay chẳng khác nào đứa con đầu lòng của đạo diễn. Bỡ ngỡ và lo lắng. Hy vọng và hoài nghi về bản thân. Thử một lần đặt mình vào vị trí đó, hoàn cảnh đó, ta sẽ biết sự hân hoan và cả nỗi đau của tác giả. Điều đó không đồng nghĩa với sự dễ dãi của công chúng, mà trái lại, đó chính là sự khích lệ cho những điều mới mẻ.
Không ít lần, điện ảnh Việt đã có những bài học khó quên liên quan tới những sự chồng chéo của cơ quan chức năng và tranh cãi từ người hâm mộ. Đó là việc dừng chiếu Quỳnh búp bê, là việc hoãn chiếu vô thời hạn với Bụi đời chợ Lớn, hay việc xử phạt Ròm dù tác phẩm đã được ra mắt trên thảm đỏ Busan. Với Cậu Vàng, ở phương diện nào đó, nếu việc tẩy chay tác phẩm xảy ra sẽ là một đòn mạnh đánh vào tương lai của những đạo diễn trẻ, những nỗ lực trẻ, và cả những sáng tạo trẻ - các yếu tố quan trọng mà chúng ta từng kỳ vọng sẽ đưa điện ảnh Việt tỏa sáng ở bình diện quốc tế.
Không ai có thể thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của những đạo diễn gạo cội như Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Vũ Ngọc Đãng hay Nguyễn Quang Dũng. Nhưng bên cạnh đó, điện ảnh nước nhà cũng cần lắm những Võ Thanh Hòa, Nguyễn Tấn Phước, Huỳnh Tuấn Anh, Nguyễn Quang Tuyến hay Trần Vũ Thủy.
Đừng đẩy Cậu Vàng vào bi kịch!