Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN

Thứ Sáu, 10/03/2023 09:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, với mục tiêu, định hướng đưa Thừa Thiên Huế phát triển nhanh trên nền tảng kinh tế tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, sở hữu trí tuệ chính là công cụ đắc lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, nên việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đây là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút chuyển giao công nghệ, đầu tư nước ngoài; là công cụ hữu hiệu để các nhà khoa học nuôi dưỡng và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, góp phần tạo ra nhiều tài sản có giá trị cho xã hội. Ở Việt Nam điều này thể hiện qua số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp hằng năm tăng trung bình 8 - 10%.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương
tại Hội nghị  toàn quốc về sở hữu trí tuệ.

Đồng chí Nguyễn Văn Phương cho biết, Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ.

Với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra, trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng với mục tiêu, định hướng đưa Thừa Thiên Huế phát triển nhanh trên nền tảng kinh tế tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ. Thừa Thiên Huế đã ban hành các chính sách mới, quan trọng về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và một số chương trình, đề án để triển khai trong thời gian tới.

Theo đó, Thừa Thiên Huế đã và đang tập trung phát triển khoa học và công nghệ theo cơ chế thị trường, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Hỗ trợ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay toàn tỉnh có 2.041 đơn đăng ký nhãn hiệu, đã được cấp 1.196 Giấy chứng nhận nhãn hiệu; trong 107 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đã được cấp 82 văn bằng bảo hộ độc quyền; trong 80 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích, đã được cấp 18 văn bằng bảo hộ độc quyền.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 2 chỉ dẫn địa lý (tinh dầu tràm Huế, nón lá Huế), 5 nhãn hiệu chứng nhận (bún bò Huế, thủ công mỹ nghệ Huế, Festival nghề truyền thống, nông sản Nam Đông, Giải thưởng Cố đô về khoa học công nghệ) và 49 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm tôm chua Huế, bún Vân Cù, gạo đỏ Quảng Điền, làng nghề nước mắm An Dương, cam Nam Đông, gạo Phú Hồ... Hiện tại đang làm thủ tục bảo hộ 02 chỉ dẫn địa lý và nhiều nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể khác.

“Nhằm nâng cao chất lượng, uy tín và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, Thừa Thiên Huế đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động, hội thảo khoa học; hỗ trợ các ngành, địa phương đề xuất, triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong cuộc sống, tỉnh Thừa Thiên Huế
đã có nhiều chính sách thúc đẩy hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ trên địa bàn.

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong cuộc sống, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các văn bản nhằm thúc đẩy hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ trên địa bàn Tỉnh như: quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021 - 2030, đến nay đã hỗ trợ cho trên 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động bảo hộ thương hiệu sản phẩm, giải pháp hữu ích, sáng chế, tiêu chuẩn đo lường chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025 (theo Quyết định 2898/QĐ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2020 của UBND tỉnh).

Thông qua hợp tác về khoa học và công nghệ (KH&CN) với Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN và các tổ chức KH&CN của Trung ương và địa phương hiện đang đóng trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình, giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN ngày một chất lượng, hiệu quả. Các công trình nghiên cứu đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập của người dân.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh đi đầu trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý nhà nước. Hiện nay, tỉnh rất tích cực triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia, gắn với Chương trình thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình trí tuệ nhân tạo. Trong thời gian tới, tỉnh rất mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Bộ KH&CN trong việc xây dựng và đưa vào vận hành có hiệu quả các hệ sinh thái thông minh trên địa bàn như: hệ sinh thái y tế thông minh, hệ sinh thái du lịch thông minh, hệ sinh thái giáo dục và đào tạo thông minh, hệ sinh thái đô thị thông minh, hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc thông minh cho các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh...; quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện hỗ trợ Đại học Huế sớm trở thành Đại học Quốc gia và là Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ mạnh của cả nước và khu vực Đông Nam Á, đưa Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế sớm trở thành Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia khu vực miền Trung. Hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế, cùng với Trường Đại học Y - dược Huế sớm trở thành Trung tâm Y học cao cấp, trung tâm đào tạo nguồn lực y tế chất lượng cao, có thương hiệu quốc tế bằng các chương trình, dự án KH&CN cấp quốc gia; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm chủ lực ra nước ngoài, đối với nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia...                                     

Bài, ảnh: Hoàng Oanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN