(LTS) - Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người là những vấn đề rất hệ trọng mà quốc gia nào cũng quan tâm xây dựng. Ở nước ta, sinh thời Bác Hồ cũng đã rất quan tâm, chú trọng đến vấn đề này. Các Văn kiện Đại hội, Nghị quyết của Đảng… cũng đã đề cập đến. Đặc biệt, tại Đại hội VIII, X, XI, XII, tùy từng thời kỳ, Đảng đã chỉ ra khá rõ về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam.
Tuy nhiên, đến Nghị quyết Đại hội XIII, những vấn đề này đã được đề cập ở tầm nhận thức mới. Nghị quyết Đại hội XIII xác định, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới là vấn đề tất yếu để bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận của dân tộc, của đất nước trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững, đồng thời là nhu cầu khách quan trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu ''dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh''. Đại hội XIII cũng đã định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người đặt lên hàng đầu là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người gắn với việc phát huy, gìn giữ giá trị gia đình; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cơ bản trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới.
Thế nhưng làm thế nào để đưa những hệ giá trị này thấm sâu và trở thành những điều tự nhiên trong đời sống hàng ngày của người dân không phải là việc dễ và có thể làm được trong một sớm một chiều. Trước vấn đề lớn, rất hệ trọng, tác động trực tiếp tới sự phát triển của đất nước, theo các chuyên gia đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với các giải pháp đồng bộ và đặc biệt phải kiên trì, nghiêm túc, thực hiện thường xuyên, liên tục.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin giới thiệu loạt bài bàn về việc “Đưa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam vào cuộc sống”.
___________
Bài 1: Khát vọng và đích đến của toàn dân tộc
(ĐCSVN) - Trong Văn kiện Đại hội XIII và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021 đã định hướng rất rõ việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới. Xây dựng những hệ giá trị này cũng chính là là góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa, giá trị của con người trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng chính là khát vọng và đích đến của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.
Năm 2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, hệ thống, khái quát và định hướng khá rõ về những nội dung cơ bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. |
Để làm rõ hơn điều này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Phùng Hữu Phú - Nguyên phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.
Tăng sức đề kháng về văn hóa, tạo sức mạnh mềm để phát triển đất nước
PV: Văn kiện Đại hội XIII và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021 đã đề cập đến hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới. Xin đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về điều này và việc xác định những hệ giá trị này có ý nghĩa như thế nào đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước?
GS.TS Phùng Hữu Phú: Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới là vấn đề hệ trọng mà quốc gia nào cũng quan tâm. Đây cũng không phải là vấn đề hoàn toàn mới, bởi Bác Hồ cũng như Đảng ta đã nhiều lần đề cập đến trong các văn kiện, nghị quyết… Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, Đại hội VIII (1996) Đảng ta đã yêu cầu phải: “Hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại”. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1998) cũng đã yêu cầu: “Bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, xã hội chủ nghĩa, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống toàn xã hội…”
Đại hội X của Đảng (năm 2005) nhấn mạnh: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức với bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam”. Đại hội XI của Đảng yêu cầu: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và ban hành Nghị quyết số 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta đã xác định một trong những mục tiêu quan trọng đầu tiên phải thực hiện là: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”. Đại hội XII của Đảng (2016) cũng yêu cầu: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Đại hội XIII Đảng đã yêu cầu: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. (Ảnh được ghép từ một số hình ảnh của đồng nghiệp) |
Kế thừa và phát triển các quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Đảng qua các kỳ Đại hội và các Hội nghị Trung ương về lĩnh vực văn hóa trước đây, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Như vậy, quá trình nhận thức về xây dựng hệ giá trị đã được Đảng ta nêu ra từ Đại hội VIII và liên tục được khẳng định, tiếp nối, bổ sung và hoàn thiện từng bước. Đến Đại hội XIII, những vấn đề này đã được Đảng ta đề cập ở tầm nhận thức mới. Nghị quyết Đại hội XIII nói về định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người đặt lên hàng đầu là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người gắn với việc phát huy, gìn giữ giá trị gia đình..., coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cơ bản trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Định hướng này rất phù hợp với tư tưởng chỉ đạo Đại hội XIII. Trong tư tưởng Đại hội XIII có nhấn mạnh là phải phát huy cho được tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy sức mạnh giá trị văn hóa và giá trị con người Việt Nam, xem đó như là động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Chính vì vậy, việc xây dựng những hệ giá trị này có ý nghĩa đầu tiên đó là góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa, giá trị của con người trực tiếp cho sự phát triển đất nước.
Thứ hai, việc xây dựng 4 hệ giá trị này sẽ tạo ra một cơ sở rất vững chắc để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nếu chúng ta xây dựng được 4 hệ giá trị này thì văn hóa sẽ thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của đất nước trên con đường phát triển. Và chính những hệ giá trị này sẽ tạo nên tầm vóc của văn hóa, để văn hóa có thể thực sự “soi đường cho quốc dân đi”.
Mối quan hệ biện chứng, khăng khít
PV: Theo GS, từng hệ giá trị này có những nội dung cụ thể như thế nào và chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ mới gồm những phẩm chất gì? 4 vấn đề này có mối quan hệ như thế nào?
GS.TS Phùng Hữu Phú: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất, sinh thời Người đã rất quan tâm đến nhận thức và xây dựng các hệ giá trị, các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết về văn hóa, Nghị quyết về con người… cũng đều đề cập đến vấn đề này. Các tổ chức, trong đó có MTTQ và Liên hiệp Phụ nữ... cũng rất quan tâm đến giá trị của gia đình Việt Nam. Những vấn đề này không chỉ được thể hiện trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng mà cũng đã được thể hiện trong đời sống. Năm 2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hệ thống lại, đã khái quát và định hướng khá rõ về những nội dung cơ bản của các hệ giá trị này.
Trước hết, nói về hệ giá trị quốc gia, nói một cách nôm na là phản ánh khát vọng cốt lõi của một dân tộc và cũng là cái đích để phấn đấu của mỗi một quốc gia. Ở đây có sự tích hợp những tư tưởng của Hồ Chí Minh, những tư tưởng trong Nghị quyết của Đảng, yêu cầu của đời sống để bước đầu có thể nói lên những giá trị đời sống như là: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Đó là những giá trị cơ bản khi ta bàn về giá trị quốc gia. Vì vậy, có thể xác định hệ giá trị quốc gia là: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Với mục tiêu xây dựng đất nước "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" Đại hội toàn quốc lần thứ XIII đã thể hiện tầm nhìn mới về việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới" |
Còn về giá trị văn hóa, Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 9 cũng đã đề cập, khái quát những nét cơ bản nhất các giá trị của một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà chúng ta đang phấn đấu xây dựng. Đó là những giá trị: Dân tộc, nhân văn, hiện đại và khoa học. Đây là những giá trị rất cơ bản để tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thấm đẫm tính nhân văn, nền văn hóa truyền thống nhưng hiện đại, nền văn hóa ấy kết tinh những giá trị của một khoa học, đó chính là những giá trị cơ bản nhất của văn hóa.
Nói về gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ trong nhiều nhiệm kỳ cũng đã cân nhắc, đưa thành phương châm, phấn đấu để xây dựng gia đình Việt Nam: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Phải chăng đây cũng chính là những giá trị cốt lõi của gia đình Việt Nam hiện đại.
Nói về giá trị con người thời kỳ mới có sự kết hợp những giá trị truyền thống được đúc kết từ ngàn xưa, đó là: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nhân nghĩa; kết hợp với những giá trị mới hình thành trong quá trình phát triển đất nước, trong quá trình đổi mới và hội nhập như là: trách nhiệm, trung thực, kỷ cương, năng động, sáng tạo và hội nhập. Như vậy, giá trị con người Việt Nam thời kỳ mới vừa có những giá trị truyền thống và những giá trị mới đang hình thành từng bước trong đời sống. Đây là những chấm phá đầu tiên nhưng cũng rất là cơ bản về 4 hệ giá trị.
4 hệ giá trị này mang tính chính trị, xã hội, được thể nghiệm để đưa vào đời sống. Nếu hệ giá trị này tiếp cận từ góc độ hàn lâm thì nó có những giá trị khác là cơ sở rõ hơn giá trị sẽ đưa vào ứng dụng trong đời sống thực tiễn.
4 hệ giá trị này có mối quan hệ biện chứng. Hệ giá trị này tương tác với hệ giá trị kia trong mối quan hệ nhân quả. Giá trị này vừa là nhân của giá trị kia vừa là kết quả tác động của giá trị kia, người ta gọi đây là mối quan hệ rất khăng khít và biện chứng.
Về mặt tổng thể có thể xác định: Hệ giá trị quốc gia là sự tích hợp các giá trị văn hóa, gia đình, con người tạo thành một hệ giá trị mang tính chất nền tảng cơ sở. Còn hệ giá trị văn hóa là tổng hòa các giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc, nó là bộ phận nòng cốt trong giá trị quốc gia và nó chính là nhân tố bồi đắp, bồi dưỡng để phát triển văn hóa gia đình và giá trị của con người Việt Nam. Còn giá trị gia đình Việt Nam là sự tích hợp các giá trị của cộng đồng, thành viên trong một tổ ấm gia đình, nó có sự tác động, bồi đắp của văn hóa, nó có những giá trị của quốc gia và nó chính là những giá trị trực tiếp tạo môi trường để nuôi dưỡng những chuẩn mực giá trị của con người Việt Nam. Giá trị con người Việt Nam như là kết quả tổng hợp của 3 hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và đồng thời con người với tư cách là chủ thể tạo ra 3 giá trị này.
Mối quan hệ trong 4 hệ giá trị vô cùng mật thiết, trong cái nọ có cái kia, cái này chế định và tác động tích cực đến cái kia. Chính vì vậy, Đại hội XIII đã xác định chúng ta phải xây dựng đồng thời cả 4 hệ giá trị này là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để chấn hưng văn hóa, tạo động lực và nguồn lực để phát triển đất nước nhanh, mạnh và bền vững.
Kiên trì, thường xuyên, liên tục thực hiện đồng bộ các giải pháp
PV: Theo GS, việc đưa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới thấm sâu và trở thành những điều hết sức tự nhiên trong cuộc sống có những khó khăn, thuận lợi như thế nào và cần phải thực hiện những giải pháp gì?
GS.TS Phùng Hữu Phú - Nguyên phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng việc xây dựng các hệ giá trị không thể "ăn xổi" ngày một ngày hai mà phải kiên trì, tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng bộ nhiều giải pháp... |
GS.TS Phùng Hữu Phú: Việc xây dựng 4 hệ giá trị này là sự nghiệp rất lớn, rất quan trọng và không đơn giản của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Mặt thuận là những hệ giá trị này không hoàn toàn là mới vì vậy nhân dân ta, cán bộ ta, đảng viên ta… hoặc ít, hoặc nhiều đều đã nhận thức được vấn đề này và trong thực tế có những cái đã làm, đang làm rồi. Thực hiện những giá trị này cũng là mong muốn tự nhiên, khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ, là ước nguyện chung của mọi người, của các tầng lớp nhân dân, bởi ai cũng muốn vươn tới những điều tốt đẹp.
Nhưng đây lại là lĩnh vực rất khó thuộc phạm trù tư tưởng, tình cảm, vì vậy không thể "ăn xổi", ngày một ngày hai được. Trong quá trình thực hiện những hệ giá trị này có sự níu kéo những giá trị cũ nhiều lúc không còn phù hợp nữa, đồng thời nó chịu sự tác động của kinh tế thị trường, vấn đề đời sống, vấn đề sinh nhai... Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có điều kiện để quán triệt một cách đầy đủ, sâu sắc về tầm quan trọng của vấn đề xây dựng các hệ giá trị đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để nó thực sự thấm sâu và trở thành những điều tự nhiên, tất yếu trong cuộc sống.
Để xây dựng cho được những hệ giá trị này cần phải triển khai một cách đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, có những việc cần quan tâm là tiếp tục làm tốt hơn và kiên trì hơn, liên tục, thường xuyên hơn như công tác tuyên truyền để giúp cho nhân dân, giúp cho cán bộ đảng viên có thể nhận thức được đầy đủ và sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt, sự cần thiết của vấn đề xây dựng và thực hiện các hệ giá trị này.
Chúng ta phải tuyên truyền đầy đủ, hệ thống, sâu sắc từ trường học, trong cộng đồng xã hội, hệ thống các cơ quan thông tin, báo đài văn hóa, văn nghệ… Phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm phải làm, phải thay đổi cho bằng được nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân.
Thực hiện tốt 4 hệ giá trị này góp phần quan trọng trong việc chấn hưng văn hóa và xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. (Ảnh được ghép từ một số hình ảnh trên Internet) |
Trên cơ sở những việc phải làm, chúng ta phải cụ thể hóa nó thành các tiêu chí, các chuẩn mực cụ thể, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng. Hệ giá trị quốc gia là chung nhất, hệ giá trị văn hóa chung của Việt Nam gồm: Văn hóa các dân tộc, văn hóa vùng miền… phải cụ thể hóa cho từng đối tượng, từng dân tộc… Giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới có những nét chung nhưng cũng có những nét riêng. Văn hóa miền xuôi, miền ngược, gia đình công nhân, nông dân, trí thức… là khác nhau, vì vậy phải cụ thể hóa nó dễ nhớ, dễ hiểu, thiết thực để đưa vào văn kiện và biến nó trở thành những điều tự nhiên trong cuộc sống.
Bàn về những hệ giá trị này thực chất là ta bàn về giá trị văn hóa nhưng nó không được thoát ly với giá trị vật chất. Bởi muốn chăm lo cho gia đình về mặt văn hóa thì phải phải chăm lo về đời sống. Con người có điều kiện để phát triển toàn diện, hạnh phúc, văn minh trước tiên phải ấm no. Chính vì vậy, việc chăm lo đến đời sống vật chất, những lợi ích chính đáng và hợp pháp của con người cũng chính là những yếu tố quan trọng để hiện thực hóa những giá trị này trong cuộc sống. Không thể nói văn hóa siêu hình, văn hóa chung chung; văn hóa, đời sống phải đi đôi với nhau. Chúng ta không chờ đời sống đi lên mới làm văn hóa, đời sống văn hóa không thể thiếu sự hỗ trợ, sự tương tác của đời sống vật chất, đó là tư duy biện chứng.
Cuối cùng, để đưa những hệ giá trị này vào cuộc sống, theo tôi là phải xác định trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng phải thực sự quan tâm, coi đây như là nhiệm vụ chính trị của mình. Các cấp chính quyền phải ban hành các kế hoạch, các chương trình, các quy định, quy chế và tạo các điều kiện để thực hiện. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội phải thật sự quan tâm, vận động, tuyên truyền, thuyết phục, kiểm tra đôn đốc và xuyên suốt là phải đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu. Người đứng đầu phải coi trọng văn hóa, quan tâm, yêu quý văn hóa, người đứng đầu phải coi trọng gia đình, coi trọng con người thì mới có tác động lan tỏa thực sự... Thế nên xây dựng các giá trị này đòi hỏi một hệ thống các giải pháp đồng bộ; sự phấn đấu của cả hệ thống chính trị và phải làm kiên trì, thường xuyên, liên tục. Nếu làm theo phong trào kiểu “đầu voi, đuôi chuột” thì không có tác dụng. Phải kiên trì làm từng bước vững chắc, làm đến đâu chắc đến đấy, làm đến đâu hiệu quả đến đấy thì trong vòng 5 - 10 năm, có thể chúng ta sẽ định hình được những hệ giá trị quan trọng này trong cuộc sống.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Phùng Hữu Phú!
Bài 2: Để những hệ giá trị thật sự là mạch nguồn và động lực thúc đẩy, phát triển đất nước
Bài 3: Phát huy vai trò của văn nghệ sĩ trong xây dựng và củng cố hệ giá trị Việt Nam thời kỳ mới
Bài 4: Phát huy vai trò của gia đình trong việc xây dựng các hệ giá trị Việt Nam thời kỳ mới
(Còn nữa)