Đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển
(ĐCSVN) – Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021 chính là dịp để toàn dân thể hiện ý chí, quyết tâm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, sớm đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc trên các vùng biển, đảo.
Ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Ảnh: TL |
Đó là chia sẻ của ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 8/6 năm 2021.
Phóng viên (PV): Thưa ông, được biết Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021 có chủ đề “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”. Xin ông cho biết ý nghĩa của chủ đề này và tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ đại dương trong giai đoạn hiện nay?
Ông Tạ Đình Thi: Trong những năm gần đây, cứ vào thời gian này cả nước lại có dịp cùng nhau có các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam. Năm nay, chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới “Đại dương: Sự sống và sinh kế” với thông điệp làm nổi bật sự đa dạng hệ sinh thái biển, lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên Trái Đất, kêu gọi sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương.
Để phù hợp với chủ đề này và cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định lựa chọn chủ đề của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021 “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”.
Qua nhiều năm tổ chức các sự kiện nêu trên, chúng ta đã thu được kết quả to lớn, nhất là trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đại dương, về công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển của nước ta.
Năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương căn cứ vào điều kiện, tình hình cụ thể để tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực hưởng ứng nhằm cam kết bảo vệ biển và hải đảo, phát huy thế mạnh của biển, đảo để phát triển kinh tế; bảo tồn và giữ gìn giá trị to lớn của biển và đại dương.
Đây chính là dịp để toàn dân thể hiện ý chí, quyết tâm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, sớm đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc trên các vùng biển, đảo.
PV: Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển được xem là những nhiệm vụ quan trọng. Vậy theo ông đi đôi với khai thác kinh tế, chúng ta phải tính đến việc quản lý và phát triển như thế nào để bảo vệ môi trường biển?
Ông Tạ Đình Thi: Sinh kế biển hiện nay đang ngày càng phát triển và mở rộng về phạm vi và lĩnh vực hoạt động. Điều này phù hợp với nhu cầu thực tế và chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển của chúng ta.
Tuy nhiên, có thể thấy các vùng ven biển và biển Việt Nam đang ngày càng bị đe dọa trước sự gia tăng của các hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan như mực nước biển dâng, bão… và đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất và sinh kế của người dân. Các sinh kế chính chịu những ảnh hưởng trực tiếp nhất là ngành thủy sản (đặc biệt là nuôi trồng), nông nghiệp, du lịch và vận tải biển. Điều này sẽ trực tiếp tác động tới cộng đồng ven biển vốn phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên thủy sản.
Do đó, chúng ta cần có những chiến lược sinh kế biển cụ thể; các bộ, ban, ngành và doanh nghiệp cùng vào cuộc; cần có lựa chọn các chiến lược sinh kế đa dạng, có kế hoạch và bền vững hơn, như: từ sinh kế truyền thống chủ yếu dựa vào nguồn lực tự nhiên và tài nguyên biển, người dân tiến hành các hoạt động cải thiện sinh kế, đa dạng hóa sinh kế, sinh kế bổ sung và sinh kế thay thế (có thể là sinh kế phụ trợ hoặc phi nông nghiệp); sinh kế hướng tới đa mục tiêu như: tăng thu nhập, giảm thiểu rủi ro, giảm phụ thuộc vào tài nguyên, phát triển ổn định và bền vững trong dài hạn…
Theo tôi đi đôi với khai thác kinh tế, chúng ta phải tính đến việc quản lý và phát triển kinh tế biển gắn chặt với bảo vệ môi trường là điều hết sức quan trọng để Việt Nam hướng tới các mục tiêu của Thập kỷ, vì một “đại dương an toàn”, “đại dương thấu hiểu” và “đại dương tường minh”.
Lấy việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, là những yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững dựa trên việc bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển; bảo vệ và đầu tư cho các hệ sinh thái biển, ven biển, hải đảo. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm sự hài hòa quyền lợi, lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển kinh tế biển với nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường biển. Tăng cường giám sát, rà soát và quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm ra môi trường biển; đầu tư, thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tại các địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác hại của các vấn đề môi trường xuyên biên giới đối với tài nguyên và môi trường biển trong khu vực…
PV: Thưa ông, để bảo đảm cơ chế quản lý thống nhất và tăng cường năng lực trong công tác quản lý bảo tồn đa dạng sinh học biển như Nghị quyết 26/NQ-CP đã đề ra, làm tiền đề cho việc phát triển bền vững sinh kế biển, theo ông chúng ta cần có những giải pháp gì trong giai đoạn hiện nay?
Ông Tạ Đình Thi: Như tôi đã nói ở trên, việc phát triển bền vững sinh kế biển là vấn đề quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang chịu các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Do đó, để bảo đảm cơ chế quản lý thống nhất và tăng cường năng lực trong công tác quản lý bảo tồn đa dạng sinh học biển như Nghị quyết 26/NQ-CP đã đề ra, làm tiền đề cho việc phát triển bền vững sinh kế biển, theo tôi chúng ta cần triển khai đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp: Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên; Giảm thiểu suy thoái và ô nhiễm môi trường biển và vùng ven biển; Quản lý tổng hợp và thống nhất biển, hải đảo; Xây dựng và áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường biển, như: lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác; Tăng cường kiểm soát môi trường biển và vùng ven biển…
PV: Vấn đề bảo vệ đại dương, phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển muốn thực hiện được rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Nhân Ngày đại dương Thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay, ông có chia sẻ và gửi gắm thông điệp gì đến các Bộ, ngành, địa phương ?
Ông Tạ Đình Thi: Ngày Đại dương Thế giới năm 2021 đánh dấu sự khởi động của Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc (2021-2030). Theo đó, khuyến khích nỗ lực bảo vệ, thu thập, ứng dụng các khoa học đại dương thông qua các ý tưởng sáng tạo và chuyển đổi, làm cơ sở thông tin để hỗ trợ phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển. Do đó, có thể thấy vấn đề bảo vệ đại dương, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển và muốn thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 36-NQ/TW cần thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, các bên liên quan và sự chung tay của toàn xã hội.
Năm nay, do tình hình của dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp vừa để đảm bảo tuân thủ các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cùng các quy định về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch; đồng thời, để tổ chức thành công Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới năm 2021, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền mạnh mẽ như tham mưu với Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn gửi các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức các hoạt động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới năm 2021 theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng.
Như đã thấy, đại dương của chúng ta đang bị hứng chịu những tác động nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm và suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học. Do vậy, sự phát triển, tồn vong của nhiều dân tộc, quốc gia bị đe dọa. Những thách thức này ngày càng bị trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19 đang gây ra những hệ lụy to lớn và làm phân tán nguồn lực dành cho các nỗ lực phát triển kinh tế biển và bảo vệ đại dương. Vì vậy, chúng ta cần khẩn trương hành động và tăng cường khả năng thích ứng ngay từ bây giờ:
Thứ nhất, cần nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, sự tham gia của mọi người dân, tăng cường khả năng chống chịu của tất cả các ngành và lĩnh vực trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID -19 đến nền kinh tế của Việt Nam nói chung và kinh tế biển nói riêng.
Thứ hai, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển và đảm bảo bảo vệ tài nguyên môi trường biển.
Thứ ba, thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên, khuyến khích, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà khoa học, cộng đồng dân cư và các tổ chức phi chính phủ vào các hoạt động bảo vệ môi trường biển, đảo.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách như: bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển; chính sách đồng quản lý tài nguyên và môi trường biển dựa vào cộng đồng; chính sách khuyến khích bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái biển để tạo nên những hệ sinh thái tự nhiên vùng bờ quan trọng cho môi trường biển…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!