Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo vào dự báo thiên tai

Thứ Năm, 22/08/2024 12:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Theo Giáo sư Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) là một trong những giải pháp quan trọng trong thời gian tới cho ngành KTTV phát triển. Vấn đề này thế giới đã có những bước tiến quan trọng, ngành KTTV Việt Nam cũng nên chú trọng.

 Giáo sư Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam. (Ảnh: Bích Liên)

Ngày mai (23/8), Hội Khí tượng Thủy văn (KTTV) Việt Nam tiến hành Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ II (2024 - 2029). Nhân dịp này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có bài phỏng vấn Giáo sư Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam về những kết quả hoạt động, những đóng góp của Hội và những vấn đề thách thức với lĩnh vực khí tượng thủy văn trong những năm tới. 

Phóng viên (PV): Trong nhiệm kỳ Đại hội đầu tiên (2019 - 2024) có nhiều công tác mang tính nền tảng cho hoạt động của Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam về lâu dài. Hội đã tập trung cho những nhiệm vụ trọng tâm nào và kết quả ra sao, thưa Giáo sư?

Giáo sư Trần Thục: Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Hội KTTV đã tập trung hoàn thiện công tác tổ chức của Hội đến các chi hội và đặc biệt là đã thành lập được hai viện nghiên cứu trực thuộc Hội. Đó là Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường, trụ sở tại Hà Nội và Viện Phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hội đã tiến hành kiện toàn các chức danh trong Hội với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu viên, cán bộ viên chức đã và đang công tác trong lĩnh vực hoạt động về KTTV ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tất cả các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh, thành phố. Hội đã đề xuất và được Đảng ủy Quận Đống Đa cho thành lập Chi bộ và trong thời gian tới, Chi bộ của Hội sẽ phát triển thêm Đảng viên mới.

Về công tác chuyên môn, là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hội KTTV chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khí tượng, thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu đây là lĩnh vực khoa học có tính ứng dụng thực tiễn cao và đang trong thời kỳ hoàn thiện cơ chế chính sách.

Với vai trò của mình, Hội đã có nhiều đóng góp thiết thực cho việc xây dựng và hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực KTTV, biến đổi khí hậu (BĐKH), tài nguyên nước của các Bộ, ngành, đơn vị, tổ chức.

Với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chương trình tài trợ Các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP-GEF/ SGP), Hội KTTV đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất Dự án “Vận dụng tri thức địa phương và nông nghiệp thông minh nhằm nâng cao năng lực thích ứng, cải thiện sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình” và tiến hành các hoạt động nghiệp vụ khảo sát tại địa bàn nhằm đề xuất xây dựng dự án. Hội KTTV Việt Nam tại địa bàn dân cư với các nhóm đối tượng tại địa phương đã khẳng định vai trò và giá trị thiết thực của việc lồng ghép tri thức bản địa với kiến thức khoa học về KTTV phục vụ phát triển bền vững cho cộng đồng. 

Như vậy, có thể nói, tuy hoạt động mới nhiệm kỳ đầu, nhưng Hội đã đóng góp rất tích cực trong công tác quản lý nhà nước, chuyên môn trong lĩnh vực KTTV, môi trường và BĐKH.

PV: Thưa Giáo sư, trong 5 năm qua, Hội đã có những hoạt động nào để phát huy vai trò của tổ chức Hội, góp phần tăng cường những đóng góp của ngành KTTV đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với tôn chỉ, mục đích khi thành lập?

Giáo sư Trần Thục: Với sự chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục KTTV và sự đóng góp của các đơn vị trong ngành KTTV, môi trường và BĐKH, trong thời gian vừa qua, Hội đã có nhiều hoạt động đáng kể trong lĩnh vực phục vụ, quản lý nhà nước, phục vụ chuyên môn, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường. Với đóng góp của Hội đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng bằng khen. Hội đã tham gia trong xây dựng dự thảo của Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài ra, Hội đã tham gia nhiều công việc như: Xây dựng Quy hoạch mạng lưới KTTV Việt Nam, các văn bản, chỉ thị, các thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác KTTV, BĐKH, tài nguyên nước. Các thành viên của Hội đã tham gia trong các văn bản quan trọng của nhà nước, chẳng hạn như: Chiến lược quốc gia về BĐKH, Đóng góp do quốc gia tự quyết định, Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH… Hội đã tham gia Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (phản biện cho 25 Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của các Quy hoạch tỉnh)…

PV: Đứng từ góc độ lãnh đạo Hội và cũng đã theo sát sự phát triển của ngành trong hàng chục năm công tác, xin Giáo sư chia sẻ về các thách thức chính của ngành KTTV hiện nay? Từ những nhận định trên, trong nhiệm kỳ tới đây, Hội sẽ có định hướng gì để nâng cao hơn nữa vị thế của ngành KTTV ở tuyến đầu của công tác phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu?

Giáo sư Trần Thục: Thời gian vừa qua, công tác KTTV đã đạt được nhiều bước tiến rất đáng ghi nhận, từ công tác đo đạc tại các Trạm, truyền số liệu về Trung ương, phân tích tính toán và dự báo, đồng thời truyền tải thông tin về dự báo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống thiên tai đến người dân. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận của ngành KTTV.

Những thành quả đạt được có sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời có sự phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới và ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác KTTV vẫn còn nhiều những thách thức mà chúng ta cần phải vượt qua.

Với điều kiện nóng lên toàn cầu của BĐKH, các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ xảy ra ngày càng nhiều hơn, diễn biến khó lượng hơn. Việc dự báo những điều kiện cực đoan này trong bối cảnh BĐKH là một thách thức lớn. Những thông tin dự báo được truyền tải cho người dân cần được dễ hiểu hơn và làm sao có được sự gắn kết giữa các nhà làm dự báo, các nhà cung cấp thông tin với người sử dụng thông tin để việc sử dụng thông tin được hiệu quả nhất.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo KTTV là một trong những giải pháp quan trọng trong thời gian tới cho ngành KTTV phát triển. Vấn đề này thế giới đã có những bước tiến quan trọng, ngành KTTV Việt Nam cũng nên chú trọng đến.

Để ứng dụng được trí tuệ nhân tạo trong công tác KTTV, cần có hạ tầng số, bao gồm hạ tầng về dữ liệu lớn, hạ tầng phân tích tính toán đủ mạnh, và đặc biệt là về con người, có sự tham gia của các Viện nghiên cứu, chuyên gia giỏi về lĩnh vực AI trong nước và quốc tế.

Cũng phải nhấn mạnh rằng, để ứng dụng trí tuệ nhân tạo cần có những thông tin trong quá khứ, cơ sở dữ liệu lớn về những hình thế thời tiết rất chi tiết gây ra các cực đoan KTTV trong quá khứ. Tuy nhiên, trong cơ sở dữ liệu KTTV của chúng ta chủ yếu là những số liệu quan trắc KTTV, những phân tích tính toán và các điều kiện KTTV cực đoan, chưa đủ mức chi tiết của các hình thế, điều kiện gây hiện tượng cực đoan này.

Một vấn đề nữa là trí thông minh nhân tạo dựa vào quy luật của quá khứ để dự tính cho tương lai. Tuy nhiên, BĐKH có thể làm cho những quy luật này thay đổi và như thế, rất cần thiết phải xét đến ảnh hưởng của BĐKH đến các quy luật này.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN