Đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân
(ĐCSVN) - Với thời lượng từ 18 đến 22 phút, phần thi thuyết trình do chính các báo cáo viên lựa chọn tại Hội thi Báo cáo viên giỏi khu vực I năm 2019 diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 22-25/11) có nội dung khá phong phú, thu hút sự dõi theo của không chỉ Ban Giám khảo mà còn của đông đảo người xem.
Kết hợp đạo đức và pháp luật trong xây dựng Nhà nước pháp quyền
Thuyết phục Ban Giám khảo và những người theo dõi tại Hội trường Thành ủy – UBND TP Lạng Sơn để giành giải Nhất Hội thi, báo cáo viên Ngần Thị Thu Hà (Sơn La) chọn đề tài “Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự kết hợp đạo đức và pháp luật trong xây dựng Nhà nước pháp quyền” để truyền đạt tới đối tượng là cán bộ, đảng viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.
Theo báo cáo viên Ngần Thị Thu Hà, tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật là một di sản vô cùng quý giá trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trên thực tế, pháp luật và đạo đức đã được nhiều nhà tư tưởng đề cập trong nhiều công trình khoa học và văn kiện chính trị - pháp lý nhưng ở Hồ Chí Minh, có những nét đặc thù làm nên phong cách của Người, đó là tư tưởng xã hội pháp quyền dân chủ.
Báo cáo viên Ngần Thị Thu Hà (ngoài cùng bên trái) |
“Chuyên đề đưa đến cho người nghe những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về sự kết hợp giữa pháp luật và đạo đức trong xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đồng thời, chỉ ra thực trạng thực thi pháp luật và sự xuống cấp về đạo đức trong tình hình xã hội hiện nay. Qua đó, thấy được tính cần thiết và tầm quan trọng của sự kết hợp giữa pháp luật và đạo đức, đưa ra những giải pháp nhằm vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ này trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La”, báo cáo viên này cho hay.
Theo thống kê từ năm 2011 đến nay, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố 205 bị can nguyên là cán bộ, đảng viên thuộc các cơ quan Điều tra, Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. Họ là những người được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ thực thi pháp luật, về đạo đức nghề nghiệp khi thực thi pháp luật, những người mang trên vai quyền lực nhà nước, với trọng trách bảo vệ Nhà nước, bảo vệ sự công bằng của người dân nhưng chính họ vì tham vọng tiêu cực của bản thân mà khiến mình trở thành bị can, bị cáo, những người đáng lên án trong xã hội. Sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận người dân, sự suy thoái về đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, bao gồm cả những người thực thi pháp luật là một trong những nguyên chính dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng và tình hình tội phạm luôn là điểm nóng trong những năm qua, thí sinh Thu Hà dẫn chứng.
Cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò là công bộc của dân
Lựa chọn chuyên đề năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, báo cáo viên Bùi Thị Hoa (Hà Nam) đã giành giải Khuyến khích của Hội thi.
Phân tích, làm rõ “dân là chủ” và “dân làm chủ” là cốt lõi trong khái niệm “dân chủ” của Hồ Chí Minh, phát huy dân chủ là biểu hiện của ý thức tôn trọng Nhân dân mà trước hết là phát huy tài dân, sức dân nghĩa là tài năng, trí tuệ, sáng kiến, kinh nghiệm và sự đóng góp công sức của nhân dân đồng thời, phải tìm mọi cách bàn bạc, giải thích cho dân hiểu rõ. Khi người dân chưa hiểu dân chủ là gì thì không thể thực hành dân chủ thật sự, trong phần trình bày của mình, báo cáo viên Bùi Thị Hoa chỉ rõ kế thừa, tiếp nối tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng ta xác định dân chủ XHCN vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội. Muốn phát huy dân chủ phải thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và 04 nhiệm vụ, giải pháp.
Phần trình bày của báo cáo viên Bùi Thị Hoa tại Hội thi |
Nêu thực tiễn cho thấy ở địa phương, cơ quan, đơn vị nào, cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu thực sự nêu gương, thực sự quan tâm thực hành dân chủ thì địa phương, cơ quan, đơn vị đó sẽ đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao, đoàn kết, phát huy được sức mạnh của tập thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị chung, báo cáo viên Bùi Thị Hoa cho biết, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU về “Nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”; Hướng dẫn số 26-HD/TU về đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tổ chức Tọa đàm “Nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh”… Hiện Hà Nam đang có 14 mô hình điểm “Dân vận khéo”: “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”; việc phát huy dân chủ được minh chứng rõ nhất qua kết quả phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với 4/6 huyện, thành phố và 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, mức huy động nguồn lực từ nhân dân đạt gần 2 nghìn tỷ đồng...
Báo cáo viên này mong muốn mỗi cán bộ, đảng viên Khối các cơ quan tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện tốt dân chủ theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy vai trò là công bộc của dân; công khai, minh bạch, đối thoại, tiếp thu ý kiến từ nhân dân; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Đồng thời, đấu tranh chống lại việc lợi dụng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Cuộc “cách mạng” về nhận thức của đồng bào
Ở một nơi có trên 90% là người Mông như ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái mà Chế Tạo là xã điển hình, báo cáo viên trẻ nhất Hội thi Giàng Thị Chư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chế Tạo đã lựa chọn chủ đề “Kết quả thực hiện tiêu chí “3 sạch” tại vùng cao, vùng dân tộc thiểu số” là nội dung cho phần trình bày của mình trước toàn thể cán bộ, đảng viên, trưởng bản, bí thư chi bộ, già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, chi hội trưởng phụ nữ xã.
Lý giải lựa chọn nội dung này, báo cáo viên Giàng Thị Chư cho hay: “Là người Mông nên hơn ai hết tôi hiểu rằng những phong tục, tập quán, phương thức canh tác của người Mông… có từ lâu đời. Ngày nay, dù nhận thức rõ nhiều điều không còn phù hợp nhưng việc thay đổi với đồng bào không phải chuyện dễ. Vậy nhưng thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với 8 tiêu chí được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, nhờ sự vào cuộc tích cực của đội ngũ cán bộ, hội viên rất nhiều thay đổi theo hướng tích cực đã diễn ra, nhất là trong vệ sinh nhà ở, vệ sinh bản làng, vệ sinh thân thể. Điều này giống như một cuộc “cách mạng” về nhận thức vậy”.
Báo cáo viên Giàng Thị Chư nhận giải thí sinh nhỏ tuổi nhất |
Cuộc vận động đã định hướng rõ những việc làm cụ thể để phụ nữ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, làm nền tảng để đảm bảo bình đẳng giới, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Điều quan trọng nhất là cuộc vận động đã định hướng rõ những việc cần làm, giúp cho đời sống của đồng bào dân tộc Mông xã Chế Tạo có những nét chuyển biến tích cực, đời sống của người Mông ngày càng văn minh hơn, báo cáo viên sinh năm 1995 nói.
Đặc biệt, báo cáo của thí sinh Giàng Thị Chư được chuẩn bị vừa bằng tiếng phổ thông, vừa bằng tiếng dân tộc để tiếp cận với nhiều đối tượng người nghe, giúp đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp nhận từ đó, nhận thức đúng, thực hiện đúng.
Theo đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Hội thi, Đảng ta đã khẳng định, tuyên truyền miệng là nhiệm vụ, là kênh thông tin quan trọng; góp phần vào việc truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến, quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Thông qua công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên thực hiện tốt vai trò là cầu nối, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. |