Đưa Bắc Giang trở thành tỉnh phát triển năng động, toàn diện, vững chắc
(ĐCSVN) - Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, các đại biểu tham dự đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ thảo luận đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm đưa Bắc Giang phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2020 - 2025.
Giám đốc Sở Công thương Trần Quang Tấn. Ảnh: BGP/Hoàng Hà. |
Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp
Tham luận tại Đại hội, Giám đốc Sở Công thương Trần Quang Tấn đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập trong tiến trình phát triển công nghiệp tại địa phương trong giai đoạn vừa qua. Do đó, là một đơn vị có vai trò quan trọng trong công tác tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX sẽ đề ra; cùng với một số nhiệm vụ chủ yếu trong phát triển công nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến 2035, trong thời gian tới, ngành Công thương sẽ làm tốt công tác phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện phương án phát triển ngành công nghiệp, trọng tâm là các khu, cụm công nghiệp.
Qua đó, tích hợp vào Quy hoạch chung của tỉnh và tham mưu tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ tới, với định hướng thu hút đầu tư dự án tập trung vào các khu công nghiệp. Đồng thời, phân bổ quy hoạch các cụm công nghiệp tại các địa phương có điều kiện khó khăn hơn, quỹ đất không có điều kiện thành lập khu công nghiệp; hướng tới các huyện trên địa bàn tỉnh đều có cụm công nghiệp, nhằm giảm áp lực gia tăng dân số cơ học ở khu trung tâm...
Giám đốc Sở Công Thương cũng cho biết thêm, giai đoạn 2020 - 2025, Sở sẽ tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp. Trong đó, có chiến lược nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, đầu tư có chọn lọc; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá lựa chọn nhà đầu tư; có sự tính toán, điều chỉnh hợp lý giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, giữa các ngành nghề để bảo đảm sự hỗ trợ, tương tác, thúc đẩy lẫn nhau phát triển, bảo đảm hiệu quả, bền vững.
Đẩy nhanh đầu tư hạ tầng Trung tâm logistics thành phố Bắc Giang, tạo sự đồng bộ với phát triển các khu, cụm công nghiệp, nhằm tối ưu hóa dòng chảy hàng hóa, tiền tệ và giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị hàng hóa, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, phát triển vận tải đa phương thức tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trước mắt, Bắc Giang sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, thái độ cửa quyền đối với người dân và doanh nghiệp; xây dựng hình ảnh chính quyền Bắc Giang năng động, thân thiện; tạo niềm tin, môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thị Thu Thủy. Ảnh: BGP/Hoàng Hà |
Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thị Thu Thủy cho rằng, một trong những yếu tố có vai trò hết sức quan trọng tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của một địa phương là các thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thời gian qua, Bắc Giang có các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Qua đó, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã được cải thiện, thể hiện thông qua điểm số PCI liên tục tăng, năm 2016 (đạt 58,2 điểm) đến năm 2019 (đạt 64,47 điểm, tăng 6,27 điểm so với năm 2016); từ nhóm các tỉnh, thành có chất lượng điều hành trung bình, thì từ năm 2018 trở lại đây đã vươn lên nhóm khá trên bảng xếp hạng PCI.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và tình hình thực tế của tỉnh, góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao PCI, trong thời gian tới tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư trong một số lĩnh vực như: Chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các dự án xây dựng khách sạn cao cấp; chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ;...
Tuyên truyền mạnh mẽ nhằm nâng cao tính năng động, tiên phong, quyết tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành. Tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động, tinh thần, thái độ phục vụ của các cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức đối với người dân, doanh nghiệp, theo hướng cùng đồng hành và cùng chia sẻ.
Tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu khi thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, trên cơ sở phân tích kết quả chỉ số PCI của năm trước, xây dựng kế hoạch nâng hạng PCI hằng năm phải tập trung đề ra các giải pháp quyết liệt nâng hạng những chỉ số thành phần thấp điểm, tụt hạng, những chỉ số thành phần có thể khắc phục được ngay. Triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, cơ quan, đơn vị và các địa phương (DDCI). Tạo sự cạnh tranh, thi đua lành mạnh giữa các cơ quan nhà nước, UBND các huyện, thành phố trong việc cải thiện mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Tuấn Nam. Ảnh: BGP/Hoàng Hà |
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Tuấn Nam cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, giáo dục Bắc Giang đã đạt được những kết quả nổi bật, toàn ngành đã thực hiện chủ trương rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp các cấp học phù hợp với thực tiễn địa phương nhằm tinh giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Hiện toàn tỉnh Bắc Giang có 768 cơ sở giáo dục; có 681 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 93,2%, đạt mục tiêu Đại hội. Nhiều chỉ tiêu giáo dục của tỉnh được đánh giá trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Thi học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia hằng năm luôn đứng trong tốp 12 tỉnh, thành phố. Trong 5 năm qua, đã có 298 em đoạt giải quốc gia, huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Á, huy chương Bạc Olympic Vật lý châu Á và quốc tế.
Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 kéo dài ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Tuy vậy, ngành giáo dục vẫn xây dựng kế hoạch tổ chức đa dạng các hình thức dạy học bảo đảm học sinh “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Bởi vậy, chất lượng giáo dục vẫn được duy trì và nâng lên, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,34%.
Bên cạnh những thành tích nổi bật mà ngành đã đạt được trong thời gian vừa qua, ngành giáo dục tự đánh giá còn một số hạn chế, bất cập, khó khăn trong quá trình chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, nhất là chuẩn bị đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, như: Việc đổi mới phương pháp dạy học theo mục tiêu hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học ở một số giáo viên chuyển biến chậm; đội ngũ giáo viên còn thiếu so với yêu cầu; tỉ lệ giáo viên văn hóa cấp tiểu học ở một số huyện còn thấp, chưa bảo đảm cho tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chuẩn bị cho thực hiện chương trình mới ở một số địa phương còn bất cập, thiếu phòng học, phòng chức năng.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập trên, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục tập trung rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp các cấp học hợp lý, bảo đảm phù hợp với thực tiễn địa phương và quy hoạch của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường tham mưu chính quyền địa phương quan tâm bố trí dành quỹ đất cho phát triển giáo dục, sắp xếp hệ thống trường theo đúng quy định của Điều lệ trường học, các tiêu chí, tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia.
Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Hằng năm, rà soát đội ngũ giáo viên để phối hợp tham mưu tuyển dụng đội ngũ giáo viên đáp ứng lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Cùng với đó, chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đẩy mạnh giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục. Phối hợp với các ngành, các địa phương tham mưu UBND các cấp đầu tư kinh phí, bố trí lồng ghép các dự án hoặc xã hội hóa để có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục.
Thực hiện tốt công tác truyền thông về giáo dục nhằm giúp người dân hiểu rõ những chủ trương đổi mới, những nỗ lực của ngành, đồng thời tăng cường phản biện từ xã hội, từ đó kịp thời điều chỉnh trong công tác quản lý, chỉ đạo, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong toàn xã hội, huy động sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển giáo dục - đào tạo.