Dự thảo Luật về hội vẫn nặng tư tưởng quản lý nhà nước
(ĐCSVN) – Nhiều đại biểu dự hội thảo cho rằng, việc xây dựng Luật về hội đã được bắt đầu từ năm 2006, song qua nhiều lần dự thảo, trình Quốc hội, cho đến nay dự luật về hội vẫn toát lên tư tưởng chủ đạo nghiêng về quản lý nhà nước.
Đây là nhận xét được các đại biểu nêu ra tại Hội thảo quản lý nhà nước đối với hội và quyền lập hội của công dân do Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 10/6.
Nặng tư tưởng quản lý
Luật về Hội là một dự thảo luật nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức xã hội, công dân nước ta và nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam.
Các đại biểu nhắc lại từ năm 2006, thực hiện Nghị quyết 49/2005/QH của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng dự thảo Luật Về hội, sau nhiều lần bổ sung, sửa đổi nội dung, dự thảo Luật Về hội đã được trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XI. Tuy nhiên, do chưa thống nhất được nội dung dự thảo và vì những lý do khác liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật nên Quốc hội chưa xem xét, thông qua Luật Về Hội.
Tiếp đó, tại Điều 25 của Hiến pháp 2013 đã ghi rõ “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Vì vậy, Quốc hội đã đưa Luật về quyền lập hội vào chương trình xây dựng luật năm 2015. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ tiếp tục được chủ trì xây dựng dự thảo Luật lần nữa. Tuy nhiên, dù đã tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện hơn so với bản dự thảo 10 năm trước nhưng dự luật vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực hiện quyền lập hội của công dân cũng như yêu cầu của Hiến pháp năm 2013.
Góp ý vào dự thảo luật mới nhất, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật vẫn toát lên tư tưởng chủ đạo nghiêng về quản lý nhà nước đối với hội, chưa thể hiện nội dung quyền và trách nhiệm của Nhà nước tạo điều kiện để hội hoạt động và phát triển theo tinh thần của Hiến pháp.
TS. Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp hội Việt Nam phân tích, hội được thành lập không những chỉ để bảo vệ quyền lợi cho hội viên mà còn cung cấp dịch vụ cho xã hội và phục vụ các lợi ích xã hội, là yếu tố quan trọng góp phần ổn định xã hội. Hội là tổ chức của dân, hội hoạt động phục vụ phát triển xã hội, nên được khuyến khích để hội hoạt động. Trong đó, “Dự thảo Luật quy định quá cụ thể về việc lập hội và hoạt động hội, trong khi mô hình tổ chức và các hoạt động của hội rất phong phú, đa dạng, thậm chí biến đổi không ngừng” – ông nhấn mạnh.
Nhất trí quan điểm trên, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng đánh giá nhiều nội dung quá chi tiết, quy định quá sâu vào công tác tổ chức nội bộ của các hội một cách không cần thiết. Trong khi đó, theo thống kê có gần 1000 hội ở Trung ương do Bộ Nội vụ cấp giấy phép hoạt động, hàng vạn hội địa phương do UBND tỉnh, thành phố cấp phép hoạt động theo điều lệ.
Công chức muốn tham gia hội phải được đồng ý?
Nhiều đại biểu nêu rõ, hội có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt trong việc thực hiện các chính sách xã hội đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Để thể chế hóa quyền lập hội của công dân theo quy định của Hiến pháp, ông Trần Ngọc Hùng nhấn mạnh, Luật về hội cần tập trung vào 3 nội dung chính. Đó là: các quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng để công dân thực hiện quyền lập hội. Các quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức hội thực hiện các quyền, nghĩa vụ của hội theo điều lệ là phục vụ lợi ích chung của hội và hội viên, hoạt động của tổ chức hội góp phần thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước. Quản lý nhà nước chỉ cần tập trung quản lý bảo đảm các tổ chức và hoạt động của hội phải thực hiện quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời các quy định về hành vi bị cấm và hạn chế.
Liên quan đến điều kiện thành lập Hội, ông Phạm Văn Tân cho rằng, dự thảo quy định “Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lắp với hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động” là không phù hợp thực tế. Ngoài ra, trong thực tế, quy định này khó khả thi vì trong một xã hội dân chủ, số lượng hội thường rất nhiều, trong khi số lượng lĩnh vực hoạt động chỉ giới hạn.
Ông Trần Ngọc Hùng cũng cho rằng, nên bỏ quy định này bởi quyền tự do lập hội có thể có nhiều chính kiến của hội viên khác nhau như Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, Hội Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Vật liệu và Xây dựng TP. Hồ Chí Minh... “Đặc biệt, khi ta gia nhập TPP thì cũng không cấm điều này” – ông phát biểu.
Cũng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Lâm - Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững cho rằng, cần đổi mới nhận thức về quyền lập hội tức là phải nhận thức rõ đây là quyền của người dân, Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo để hiện thực hóa quyền này. Theo đó, dự luật nên quy định người dân có thể thành lập hội khi đáp ứng đủ các điều kiện mà luật quy định, người dân chỉ cần công bố một cách công khai việc lập hội này (trừ những lĩnh vực cấm hội thành lập và hoạt động) và có thể có quy định gửi thông báo, các văn bản như: điều lệ, nhân sự... cho chính quyền cơ sở về việc thành lập hội.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật không nên đi quá sâu có tính chất hướng dẫn tiểu tiết về cách thức tổ chức và cách thức hoạt động của Hội.../.