Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Du lịch thông minh hướng tới sự phát triển bền vững

Thứ Năm, 14/11/2024 14:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những năm trở lại đây, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước tiến lớn, không chỉ nhờ cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa lâu đời mà còn nhờ vào du lịch thông minh. Do vậy, du lịch thông minh trở thành một xu hướng tất yếu nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp và các điểm đến.

Du lịch thông minh (Smart Tourism) là việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT – Information and Communication Technologies) để cải thiện toàn bộ trải nghiệm du lịch, từ quá trình lên kế hoạch đến khi du khách kết thúc chuyến đi và quay trở về nhà. Đây là một cách tiếp cận toàn diện, sử dụng công nghệ giúp du lịch trở nên an toàn, thuận tiện và bền vững hơn.

Du lịch thông minh đem lại nhiều lợi ích nổi bật cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch, cộng đồng địa phương cũng như du khách. Trước hết, trải nghiệm du lịch của khách hàng được cải thiện. Du lịch thông minh dựa trên những dữ liệu về khách hàng và tiến hành phân tích sở thích, hành vi của họ. Từ đó, các ứng dụng cung cấp dịch vụ và những gợi ý được cá nhân hóa, giúp cho du khách có lựa chọn phù hợp với nhu cầu, mong muốn. Các ứng dụng du lịch thông minh hiện nay được tích hợp thông tin thời gian thực về thời tiết, giao thông, sự kiện,… cũng như hoạt động giải trí nổi bật theo từng địa điểm. Nhờ đó, du khách có thể dễ dàng lập kế hoạch và điều chỉnh lịch trình cho phù hợp với trải nghiệm kỳ vọng.

 Du lịch thông minh hướng tới sự phát triển bền vững.

Du lịch thông minh cũng tăng cường hiệu quả quản lý bằng cách hỗ trợ các cơ quan chức năng giám sát và điều phối ngành du lịch, đồng thời theo dõi lưu lượng du khách khai thác tài nguyên để đưa ra những biện pháp bảo tồn di sản văn hoá. Công nghệ đã hỗ trợ quản lý, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên bao gồm nước, năng lượng và cơ sở hạ tầng giao thông. Công tác phát triển du lịch bền vững cũng được khuyến khích bằng cách giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát thải,… Du lịch thông minh cũng góp phần giảm chi phí sản xuất cho công ty du lịch, đồng thời mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới thông qua việc ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu và chăm sóc sức khỏe vào ngành du lịch.

Hơn nữa, từ đề xuất địa điểm đến dịch vụ hỗ trợ theo thời gian thực. Các giải pháp thực tế ảo (VR – Virtual reality) và thực tế tăng cường (AR – Augmented reality) đang ngày càng phổ biến, cho phép khách du lịch tham khảo trước điểm đến và tận hưởng trải nghiệm phong phú hơn trong chuyến đi của họ. Hệ thống quản lý điểm đến thông minh sẽ tối ưu hóa hơn nữa việc quản lý du khách và giao thông, bảo vệ di sản văn hóa, đồng thời hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững bằng cách giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Phương thức thanh toán điện tử và thanh toán không tiếp xúc sẽ trở thành tiêu chuẩn mới, mang lại sự thuận tiện và an toàn cho khách du lịch. Sử dụng nền tảng và ứng dụng thông minh để cải thiện giao tiếp và chia sẻ thông tin cũng góp phần nâng cao khả năng tương tác và kết nối giữa khách du lịch và cộng đồng địa phương. Cuối cùng, du lịch thông minh tăng cường kết nối và tương tác giữa du khách với cộng đồng du lịch thông qua các nền tảng tương tác, chia sẻ thông tin. Những nền tảng này được hỗ trợ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, cho phép du khách quốc tế dễ dàng kết nối và tìm hiểu về các điểm du lịch.

Theo nghiên cứu, thị trường du lịch thông minh toàn cầu đã đạt 28,7 tỷ USD vào năm 2023. Không chỉ đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong tương lai gần, du lịch thông minh hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng và đổi mới khi công nghệ không ngừng phát triển. Tương lai của du lịch thông minh sẽ tiếp tục cải thiện trải nghiệm của du khách, nâng cao hiệu quả hoạt động và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, trong những năm tới, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng trở nên tiên tiến, cung cấp cho khách du lịch những dịch vụ và trải nghiệm được cá nhân hóa. Du lịch thông minh là xu hướng toàn cầu mà Việt Nam cần nắm bắt và áp dụng để tối ưu hóa trải nghiệm du khách và phát triển bền vững.

Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia có ngành du lịch phát triển rất sôi động trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan cho thấy rõ việc phát triển du lịch thông mình là tất yếu. Cụ thể, nền tảng Du lịch Quốc gia ThailandCONNEX được phát triển giúp các doanh nghiệp Thái Lan ít phụ thuộc vào các nền tảng từ nước ngoài, quảng bá sản phẩm du lịch, tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Sau 2 năm triển khai, nền tảng đã thu hút hơn 100.000 doanh nghiệp du lịch Thái Lan tham gia, khoảng 200.000 sản phẩm được cung cấp và thu về khoảng 12 tỷ bath.

Với dân số trẻ, năng động và cơ sở hạ tầng mạng di động đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt với mạng 5G, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng cạnh tranh về du lịch thông minh. 

Với dân số trẻ, năng động và cơ sở hạ tầng mạng di động đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt với mạng 5G, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan. Muốn có được điều đó, hiện nay các đơn vị du lịch của Việt Nam đã sớm tập trung đầu tư phát triển nền tảng du lịch thông minh Smart Travel, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh “Make in Vietnam”. Nền tảng này không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ du khách trong quá trình lên kế hoạch du lịch, mà còn tích hợp các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo để mang đến trải nghiệm du lịch toàn diện. Hơn 100 địa điểm di tích văn hóa lịch sử đã được số hóa trên nền tảng này và đang tiếp tục mở rộng quy mô với mục tiêu số hóa hơn 1000 địa điểm di tích tại 63 tỉnh/thành phố từ nay đến 2025.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, hiện nay, công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam đang được đẩy mạnh trên các nền tảng trực tuyến của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam bao gồm trên các website, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, Instagram... Những nền tảng du lịch thông minh phát triển gần đây của các đơn vị, tổ chức góp phần hiệu quả vào việc quảng bá, phát triển du lịch bền vững, hấp dẫn.

Hiện nay, Việt Nam đang từng bước tiếp cận với du lịch thông minh xem du lịch thông minh là xu hướng mới phải bắt kịp để không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Để phát triển du lịch thông minh, cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch thông minh; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông minh. Cần tuyên truyền, quảng bá cho người dân và du khách nhằm nâng cao nhận thức về gìn giữ môi trường du lịch, phát triển du lịch theo hướng thông minh, bền vững; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch thông minh; Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các điểm đến du lịch phải không ngừng thích ứng và phát triển một hệ sinh thái du lịch bền vững, đồng sáng tạo giá trị, nhằm mang đến trải nghiệm du lịch chất lượng cho du khách, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và lợi ích cho các bên liên quan…

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và xu hướng phát triển của du lịch thông minh, các điểm đến trong đó cần phải năng động thích ứng, phát triển một hệ sinh thái điểm du lịch thông minh với cơ sở hạ tầng và công nghệ thông minh, quản trị thông minh, con người thông minh, môi trường thông minh,… nhằm mang đến những trải nghiệm chất lượng cho khách du lịch, tiến tới sự phát triển bền vững./.

Khánh Vy

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN