Dự kiến điều chỉnh 6 điểm trong Quy chế tuyển sinh 2019
(ĐCSVN)- Tại Hội nghị Chủ tịch hội đồng trường, Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm năm 2018 diễn ra ngày 28/12, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đã chia sẻ dự kiến điều chỉnh 6 điểm trong Quy chế tuyển sinh năm 2019.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, năm 2018, vấn đề tuyển sinh được giữ ổn định, tương tự như năm 2017. Công tác tuyển sinh 2018 đã đạt được mục tiêu nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả, giảm được áp lực cho đợt tuyển sinh bổ sung. Đợt 1 có 172 đơn vị tuyển sinh đủ chỉ tiêu; 226 đơn vị đạt 70% chỉ tiêu trở lên; hết tháng 11/2018 cả hệ thống đạt gần 77% chỉ tiêu.
Về hoạt động đào tạo, năm 2018, giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thí nghiệm, thư viên được tăng cường; các tiêu chuẩn về mở trường, mở ngành được nâng cao; một số cơ sở đào tạo đã tăng cường sàng lọc trong quá trình đào tạo; công tác kiểm định, đánh giá ngoài được đẩy mạnh, vị trí xếp hạng được cải thiện.
Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng chỉ rõ hạn chế trong công tác tuyển sinh 2018, một số cơ sở đào tạo nhập thiếu hoặc không nhập danh sách thí sinh xác nhận nhập học lên hệ thống theo quy định gây khó khăn cho công tác lọc ảo và quản lý trên cơ dữ liệu; một số cơ sở đào tạo, cán bộ làm công tác tuyển sinh chưa nắm vững quy trình và cập nhật nhiệm vụ đồng bộ vào hệ thống, thậm chí còn có sai sót…
Để công tác tuyển sinh năm 2019 tốt hơn, bà Nguyễn Thị Kim Phụng đề nghị các cơ sở đào tạo góp ý về 6 điểm dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung trong Quy chế tuyển sinh năm 2019. Thứ nhất, các trường có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia phải thực hiện tất cả các bước của quy trình xét tuyển; Thứ hai, cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp; Thứ ba, quân nhân dự thi nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại nơi có sự thay đổi chính sách ưu tiên theo khu vực thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn; Thứ tư, với nhóm ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, căn cứ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển; xét tuyển học sinh tốt nghiệp có học lực lớp 12 xếp loại giỏi; Thứ năm, các trường tiếp nhận và lưu bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia. Thứ sáu, thí sinh đã xác định nhập học thì không được tham gia xét tuyển các trường khác và các đợt tiếp theo.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết thêm, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo chất lượng, hiệu quả, công bằng trong tuyển sinh; phân luồng, thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm; xây dựng chức năng công khai cơ sở dữ liệu tuyển sinh, sinh viên nhập học. Bên cạnh đó, Bộ rà soát, hoàn thiện các phần mềm xét tuyển, cơ sở dữ liệu tuyển sinh; thống nhất cơ sở dữ liệu và kết nối giữa các phần mềm; đồng thời, rà soát, bổ sung cơ sở dữ liệu chính sách về ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng; tăng cường tuyên truyền, chọn ngành, hướng nghiệp cũng như giúp thí sinh biết rõ quyền lợi và trách nhiệm trong việc tham gia xét tuyển.
Với các cơ sở đào tạo, các trường cần thể hiện vai trò tự chủ xác định chỉ tiêu theo quy định; công khai đề án tuyển sinh và các điều kiện đảm bảo chất lượng, danh sách trúng tuyển, nhập học. Đồng thời, những đơn vị này cần đảm bảo chất lượng đầu vào; kiểm soát chất lượng quá trình đào tạo, chất lượng đầu ra; thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm. Các trường đại học, cao đẳng phối hợp chặt chẽ với các địa phương được phân công trong việc tổ chức thi THPT quốc gia; thống nhất định hướng chỉ đạo công tác thi, tuyển sinh của Bộ.
Những dự kiến thay đổi này có căn cứ pháp lý từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ ngày 1/7/2019; căn cứ thực tiễn từ một số nội dung bất cập của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2018./.