Dự báo kinh tế năm 2024: 4 thuận lợi, 3 thách thức
ĐCSVN) - Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tại cuộc thảo luận tổ của Quốc hội sáng 23/5.
Trên cơ sở góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024, mặc dù không đạt được một số chỉ tiêu nhưng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. “Chúng ta không quá lạc quan, nhưng lắng nghe để tham khảo, không chủ quan nhưng cũng không quá bi quan” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. (Ảnh:MPI) |
Mới đây nhất, Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng cao nhất cho đến năm 2029.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích, điểm sáng là sự Lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị và sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ với việc ban hành nhiều cơ chế chính sách cho các địa phương, đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án trọng điểm quốc gia. Đáng chú ý là cơ bản hoàn thành công tác lập quy hoạch, từ tổng thể quốc gia đến quy hoạch vùng, quy hoạch các địa phương... giúp nền kinh tế phát triển nhanh hơn bền vững hơn. Điểm sáng nữa là trong xuất khẩu và FDI cho thấy nền kinh tế còn nhiều cơ hội và niềm tin của các nhà đầu tư.
Thẳng thắn nhìn nhận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, cũng phải nhìn nhận một số hạn chế như: Doanh nghiệp còn còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản chưa phục hồi như kỳ vọng, thị trường vàng có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng giá máy bay tăng cao gây ảnh hưởng đến thị trường du lịch...
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận 3 nguyên nhân của tồn tại, hạn chế gồm có:
Thứ nhất, gặp những khó khăn chung của thế giới.
Thứ hai, nền kinh tế có độ mở rất lớn, phụ thuộc vào xuất khẩu và thương mại. Khi mà kinh tế bên ngoài biến chuyển một thì nó ảnh hưởng đến chúng ta lớn hơn nhiều.
Thứ ba, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển đổi, đang cơ cấu lại nên cũng có những khó khăn từ nội tại và có độ trễ, không thể ngày một và ngày hai thay đổi được.
Dự báo kinh tế năm 2024: 4 thuận lợi, 3 thách thức
Thông tin chung vể bức tranh kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu các nhận định:
Thứ nhất, nổi lên là kinh tế vĩ mô nói chung, quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế đang cho thấy nền tảng tương đối tốt.
Thứ hai, nhiều chính sách và các đổi mới của chúng ta đã và đang đẩy mạnh và ban hành rất nhanh, tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc hiện nay.
Thứ ba, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, dù còn chậm nhưng cũng đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực.
Thứ tư, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng như của các Bộ, ngành, địa phương đang phát huy những hiệu quả rất cao.
Bộ trưởng cũng chỉ ra, song hành với diễn tiến thuận lợi, nổi lên 3 thách thức, đó là:
Thứ nhất, vấn đề già hoá dân số đang diễn biến khá nghiêm trọng.
Thứ hai, biến đổi khí hậu tác động rất mạnh như các đại biểu đã nói rất nhiều đến ĐBSCL, nhưng không chỉ có ĐBSCL mà còn các khu vực phía Bắc, khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng chịu tác động rất mạnh
Thứ ba, vấn đề khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của chúng ta còn chuyển biến chậm và chưa là động lực để thúc đẩy nền kinh tế. Nếu khoa học, công nghệ của chúng ta không tập trung đẩy mạnh thì nền kinh tế khó tăng năng suất lao động.
“Đây là những vấn đề mấu chốt và là 3 vấn đề thách thức nổi lên mà chúng tôi thấy cả ngắn hạn và dài hạn chúng ta phải tập trung tìm giải pháp để khắc phục”- Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. (Ảnh: MPI) |
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất nhóm giải pháp:
Trước tiên, cần tập trung vào những giải pháp trong ngắn hạn và có tính đến dài hạn.
Tiếp đến, tập trung vào đẩy mạnh 3 động lực: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu cũng như đẩy mạnh các động lực mới: Chuyển đổi nền kinh tế, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… cũng như tập trung vào các ngành công nghiệp mới mà ta có điều kiện tham gia sâu hơn như chip bán dẫn.
Song song, đẩy mạnh đào tạo nguồn lực, đẩy nhanh các dự án đầu tư công quan trọng.
Đồng thời là vấn đề thể chế. Đơn cử, có thể cho áp dụng hiệu lực Luật Đất đai từ ngày 1/7, sớm hơn 6 tháng để tháo gỡ các ách tắc cho thị trường bất động sản. Ngoài ra, giải quyết các ách tắc, vướng mắc hiện nay; bổ sung và điều chỉnh đồng bộ một số luật cần thiết; tạo điều kiện để cán bộ “dám nghĩ dám làm”.
Ngoài thể chế, có một vấn đề đó là phải cải cách thêm nữa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư mạnh hơn. Phải xem xét thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực thế nào, môi trường đầu tư kinh doanh thế nào, các thủ tục đầu tư xây dựng… Cần đẩy mạnh phân cấp, bỏ xin - cho, khuyến khích cán bộ “dám nghĩ dám làm”.
Một vấn đề nữa được Bộ trưởng chỉ ra là về cơ chế chính sách cho các địa phương. Theo đó, báo cáo và xem xét lại các cơ chế chính sách đặc thù cho một số địa phương đã ban hành và áp dụng. Nếu chính sách đó đúng, trúng và hiệu quả thì ta nên nhân rộng cho các địa phương khác.
Ngoài ra, cần tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, giúp khơi thông nguồn lực. “Tôi cho rằng không cần mới ở đâu cả, chúng ta chỉ cần giải quyết nhanh cho các dự án đang bị tắc, khơi thông được là đã thúc đẩy rất nhiều cho nền kinh tế, tạo niềm tin và nguồn lực mới”- Bộ trưởng nói.
Cuối cùng là vấn đề hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề lớn nhất của khu vực này hiện nay là thiếu nước ngọt. Thiếu nước ngọt là ảnh hướng tới cả sản xuất, cả đời sống của người dân. Thời điểm này chưa cần thiết phải xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về vấn đề này.
Thực tế, trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, tổng đầu tư trong kế hoạch trung hạn cho Đồng bằng sông Cửu Long được nâng lên rất cao từ 16% của giai đoạn 2010 – 2015, lên 18% trong giai đoạn 2016-2020 và trong nhiệm kỳ này 2021-2025, đã nâng lên gần 20%.
Ngoài ra, không phụ thuộc vào nguồn đầu tư công trung hạn, cũng đã bố trí cho Đồng bằng sông Cửu Long 13 dự án vay ODA riêng, không nằm trong danh mục, tổng số tiền gần 2,5 tỷ USD, tức gần 70.000 tỷ đồng. Số tiền này tương đương với khoảng 2/3 nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang làm. Cộng thêm phần đã tăng trong kế hoạch trung hạn nữa để số gắng hoàn thiện khép kín toàn bộ đường ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long. Việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc khắc phục cả hạn mặn, chống biến đổi khí hậu, mở rộng không gian kinh tế, quốc phòng - an ninh.../.