Đồng Tháp: Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân và xử lý đơn thư
(ĐCSVN) - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân thời gian qua. Nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong tỉnh ngày càng được nâng lên, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án lớn được người dân đồng thuận cao.
Quang cảnh Hội nghị |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp vừa tổ chức sơ kết 03 năm thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Hội nghị do đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì, cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các ngành Nội chính, bí thư cấp ủy huyện và cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp dân và xử lý đơn thư.
Sau khi tiếp thu Quy định số 11-QĐi/TW, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Công văn số 810-CV/TU ngày 19/4/2019 về triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW; Quy chế số 07-QC/TU ngày 19/8/2019 về Bí thư Tỉnh uỷ tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh kiến nghị của dân, số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân có chiều hướng giảm. Công tác giải quyết đơn, thư, công tác hoà giải cơ sở được nâng lên, không có trường hợp đơn, thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài, phát sinh "điểm nóng", nhất là thời điểm trước, trong và sau khi diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công bằng, lợi ích chính đáng của người dân, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức 02 Hội nghị tập huấn chuyên đề liên quan cho các huyện uỷ, thành uỷ và đảng uỷ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Tỉnh bằng hình thức trực tuyến với hơn 800 cán bộ trực tiếp làm công tác tham mưu người đứng đầu cấp uỷ tiếp dân tham dự. Tỉnh đã ban hành Thông báo về việc tiếp công dân định kỳ của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, gửi đến các cơ quan, đơn vị và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại Trụ sở Ban Tiếp công dân Tỉnh, thời gian tiếp dân vào ngày 20 hàng tháng; xây dựng nội quy, quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân theo quy định, bảo đảm trang bị đầy đủ các điều kiện vật chất, kỹ thuật cần thiết, tạo thuận lợi cho người dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thành lập Tổ Công tác về rà soát và vận động thực hiện các chính sách, xử lý các vụ việc kéo dài khi triển khai thực hiện công trình, dự án trên địa bàn Tỉnh (Tổ Công tác đã tiến hành nắm tình hình, vận động thực hiện 06 vụ khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài). Thành lập Tổ Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc An Hữu - Cao Lãnh để tạo sự đồng thuận của người dân, hạn chế thấp nhất việc khiếu nại của người dân trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, bảo đảm Dự án đúng tiến độ theo quy định. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, nổi cộm, kéo dài.
Trong kỳ, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã tổ chức tiếp 65 lượt (123 người), đã chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền rà soát, giải quyết khiếu nại của công dân. Chủ trì họp các ngành Tỉnh nghe báo cáo đề xuất giải quyết khiếu nại kéo dài của công dân đối với 06 trường hợp, qua đó, đã ban hành 06 Thông báo kết luận chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, rà soát giải quyết theo quy định của pháp luật; Bí thư các huyện uỷ, thành uỷ đã tổ chức tiếp 165 lượt công dân; Bí thư đảng uỷ các xã, phường, thị trấn trong Tỉnh đã tổ chức tiếp 3.875 lượt công dân. Qua các buổi tiếp xúc, đa số người dân đều thống nhất với kết quả giải thích, hướng dẫn của người đứng đầu cấp uỷ. Thường trực Tỉnh uỷ đã tiếp nhận 1.428 đơn, thư của các tổ chức, cá nhân gửi đến (trong đó, có 661 đơn khiếu nại, 197 đơn tố cáo và 411 đơn kiến nghị, phản ánh). Kết quả xử lý: Chuyển đến các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chức năng xem xét giải quyết 434 đơn; hướng dẫn và trả lời đương sự 275 đơn; xếp lưu 719 đơn theo quy định.
Các huyện uỷ, thành uỷ đã tiếp nhận 775 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân (đã chỉ đạo giải quyết 752/775 đơn, còn lại 23 đơn đang giải quyết); bí thư đảng uỷ các xã, phường, thị trấn trong Tỉnh đã tiếp nhận 1.065 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, đã chỉ đạo giải quyết 1.057/1.065 đơn, còn lại 08 đơn đang giải quyết.
Nội dung chủ yếu là khiếu nại liên quan đến đất đai (tranh chấp quyền sử dụng đất, ranh đất, thu hồi, bồi hoàn, giải phóng mặt bằng, tái định cư, chính sách hỗ trợ khác…), khiếu nại bản án của toà án, khiếu nại việc thi hành án dân sự, hành chính, tác phong làm việc, sai phạm của cán bộ, đảng viên; một số trường hợp đã được giải quyết hết thẩm quyền, chuyển sang tố cáo cán bộ. Sau khi tiếp dân, đồng chí bí thư cấp uỷ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc phối hợp các cơ quan liên quan phân loại, rà soát trả lời cho người dân đúng theo quy định.
Tỉnh Đồng Tháp đã thành lập 04 Đoàn kiểm tra, giám sát về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Quy định số 11-QĐi/TW gắn với công tác bảo vệ người tố giác, trong đó, có 02 đoàn của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và 03 Đoàn của Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Ban Nội chính Tỉnh uỷ. Qua đó, kịp thời yêu cầu cấp uỷ, người đứng đầu phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tuy nhiên, việc tiếp dân định kỳ của người đứng đầu cấp uỷ tại một số địa phương trong tỉnh chưa duy trì đúng theo lịch tiếp, có nơi còn lúng túng trong tham mưu người đứng đầu cấp uỷ tiếp dân hoặc chưa phân định rõ thẩm quyền tiếp dân của người đứng đầu cấp uỷ với lãnh đạo chính quyền; tiến độ báo cáo định kỳ có thực hiện nhưng một số địa phương còn chậm; một số vụ việc khiếu nại giải quyết chưa đúng hạn theo quy định; công tác phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa chặt chẽ, kịp thời. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW có địa phương chưa quan tâm, nhất là kiểm tra đối với cấp uỷ cấp xã.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân thời gian qua. Nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong tỉnh ngày càng được nâng lên, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án lớn được người dân đồng thuận cao. Đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả hơn Quy định số 11-QĐi/TW, bảo đảm cấp tỉnh, huyện phải tiếp dân định kỳ ít nhất một ngày trong tháng. Nâng cao chất lượng tham mưu tiếp dân bảo đảm chặt chẽ, tiến độ giải quyết, trả lời cho người dân. Khi phát hiện những vụ việc chưa trúng, chưa đúng thì phải bàn bạc cách giải quyết, khi vụ việc vượt thẩm quyền của đồng chí bí thư cấp ủy thì trình xin ý kiến của ban thường vụ cấp ủy xem xét, cho ý kiến quyết định. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các ngành chức năng trong tiếp dân và xử lý đơn thư, tránh tâm lý né tránh không giải thích, vận động để người dân hiểu, chấp hành. Cấp ủy huyện cần tập trung giải quyết sớm những vụ việc ngay từ đầu, không để phát sinh điểm nóng, phức tạp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác tiếp dân, trang bị kỹ năng tiếp dân, phương pháp thông tin đầy đủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.