Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đồng Tháp: Chủ động phòng, chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp

Thứ Tư, 28/02/2024 10:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và hơn 8.400 hệ thống tưới, qua đó góp phần giải quyết tưới tiêu cho gần 100% diện tích sản xuất lúa được bơm tưới chủ động bằng Trạm bơm điện hoặc máy dầu; gần 70% tưới tiêu cho rau, màu và gần 60% diện tích cây ăn trái được chủ động tưới tiêu bằng máy.

 Huyện Lai Vung triển khai giải pháp nạo vét nhiều tuyến kênh, mương tạo nguồn đảm bảo đủ nước cho sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Nhật Nam)

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 3 đến tháng 5/2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng từ 60 - 85% và cường độ giảm dần. Với các nhận định tác động đến khí tượng, thủy văn của hiện tượng El Nino, tình trạng hạn hán, thiếu nước có nguy cơ xảy ra cục bộ trong thời gian mùa khô trên phạm vi rộng, kéo dài ở một số vùng trên cả nước, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng từ mùa khô năm 2024 - 2025.

Nhằm đảm bảo có đủ nước tưới cho hơn 200 ngàn ha gieo trồng vụ Hè Thu năm 2024 (trong đó lúa hơn 180.000 ha; hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày hơn 13.000 ha và 43.000 ha cây lâu năm và hàng ngàn ha nuôi trồng thủy sản), UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo ngành nông nghiệp và các ngành liên quan bằng các biện pháp chủ động đủ nước tưới, nước sinh hoạt của người dân trong thời gian xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Để có nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2024, các huyện, thành phố trong tỉnh có nhiều giải pháp chủ động nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Vụ Hè Thu, huyện Lai Vung chủ động đảm bảo đủ nước tưới cho 7.500 ha lúa; hơn 1.500 ha hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Huyện triển khai nhanh thi công các danh mục công trình do tỉnh quản lý; huy động mọi nguồn lực để nạo vét các công trình thủy lợi nội đồng ở các xã, thị trấn nhằm khai thông nguồn nước các kênh bị bồi lắng, tạo dòng chảy thông thoáng, đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, huyện chủ động các biện pháp khai thông nguồn nước các kênh thủy lợi tạo nguồn, thủy lợi nội đồng, cống đập tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, theo hướng bố trí màu luân canh vụ Xuân Hè, để hạn chế sử dụng nước, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, nhất là những vùng gò sản xuất lúa kém hiệu quả. Huyện khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước; chủ động tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng luân canh 2 lúa, 1 màu.

Huyện Lấp Vò đảm bảo đủ lượng nước tưới cho khoảng 16.964 ha đất sản xuất, huyện có giải pháp như: Phương án di chuyển các trạm bơm điện, thiết bị máy móc bơm nước liên vùng đến những nơi cần gấp; đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét công trình thủy lợi được huyện bố trí nguồn vốn năm 2024 nhằm kịp thời phục vụ chống hạn cho sản xuất nông nghiệp, triển khai thực hiện kế hoạch bố trí chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp....

Các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật, khoanh vùng diện tích cây trồng có khả năng bị hạn, không đủ nước; Bố trí lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với từng vùng, từng địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn bảo vệ sản xuất năm 2024. Sở thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, tình hình nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, công tác phòng, chống nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; thông tin dự báo tình hình nguồn nước để người dân biết, chủ động sản xuất trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.

 

Nguyễn Văn Trí

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN