Đồng Nai tiếp tục dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới
(ĐCSVN) – Với quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới cho Long Thành và Nhơn Trạch, hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang có 1 thị xã và 4 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, dẫn đầu cả nước.
Hệ thống giao thông nông thôn ở Đồng Nai ngày càng khang trang, thuận tiện (Ảnh: K.V)
Đó là các huyện: Xuân Lộc, Thống Nhất, Long Thành, Nhơn Trạch và thị xã Long Khánh. Trong đó, hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch vừa được Thủ tướng Chính phủ ký các Quyết định công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Hiện huyện Long Thành đã có 11/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Nhơn Trạch có 10/12 xã được công nhận.Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương nói trên tiếp tục tập trung nguồn lực để các xã còn lại sớm đạt chuẩn, nhất là đầu tư cho giáo dục, hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi...
Được biết, để đạt được thành tích trên, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực tập trung vào xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền để người dân đồng thuận tham gia phong trào được đẩy mạnh đến từng thôn, ấp, gia đình, mọi người dân, chính vì thế, các tiêu chí đã được nhân dân tích cực tham gia đóng góp. Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế- xã hội.
Thời gian qua, huyện Long Thành đã đẩy mạnh công tác chuyển giao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, sử dụng các giống mới, chuyển đổi cây trồng và từng bước hình thành và phát triển 22 vùng sản xuất tập trung trên địa bàn của 9 xã với 6 đối tượng cây trồng là lúa, bắp, mì, rau, sầu riêng và điều với tổng diện tích là 6.421 hécta. Giá trị bình quân thu nhập 1 hécta/năm đạt 122 triệu đồng, tăng 57,6 triệu đồng/hécta so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện ước đạt 50,73 triệu đồng/người/năm; trong đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 40,6 triệu đồng/người/năm, vượt 6,6 triệu đồng so với yêu cầu tiêu chí và tăng 206% so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 0,16%.
Huyện Nhơn Trạch cũng đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng nông nghiệp đô thị và mang tính sản xuất hàng hóa nhằm tăng giá trị và năng suất sản phẩm. Bình quân giá trị sản xuất trên 1 hécta đất nông nghiệp là 115,3 triệu đồng, tăng 86% so năm 2011 (tương đương 53,3 triệu đồng). Đặc biệt, có một số diện tích cây trồng có giá trị cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/hécta/năm. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện gần 110 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm tỷ trọng 22,89%, vốn xã hội hóa chiếm tỷ trọng 77,11%, nhất là phần đóng góp của doanh nghiệp là khá lớn (chiếm 17,7%, so với cả nước là dưới 5%).
Theo Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai, sau 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỉnh này đang dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới trên cả nước. Trên cơ sở đó, Đồng Nai đặt ra mục tiêu trở thành tỉnh nông thôn mới vào năm 2020. Theo đó, trong xây dựng nông thôn mới những năm tới đây, Đồng Nai phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt ba mục tiêu chủ yếu, đó là trở thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới với 80% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, 80% số xã đạt chuẩn, 15% số xã đạt chuẩn “nông thôn mới nâng cao” theo quy định của tỉnh, từ đây sẽ thay đổi căn bản một bước về chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và dân cư nông thôn.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Đồng Nai quyết tâm tập trung đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đối với với lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, như chuyển dịch cơ cấu đất đai, cơ cấu mùa vụ, tập trung phát triển cây trồng chủ lực, ứng dụng quy trình kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất… Nhờ đó, hiệu quả sản xuất trên ha đã nâng cao rõ rệt, nhiều vùng có giá trị sản xuất từ 100 triệu đến 250 triệu đồng/ha/năm. Đối với chăn nuôi, Đồng Nai đã hướng đến một ngành chăn nuôi tập trung theo công nghệ hiện đại, chăn nuôi quy mô trang trại chiếm tỷ lệ cao. Toàn tỉnh đã có gần 100% đàn lợn, gà sử dụng giống mới. Đồng thời, kỹ thuật chăn nuôi cũng có nhiều tiến bộ rõ rệt; công tác phòng, chống bệnh được thực hiện tốt. Ngoài ra, thủy sản không phải là thế mạnh của Đồng Nai nhưng trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản cũng phát triển khá mạnh với các phương thức nuôi phong phú. Giá trị sản xuất của ngành thủy sản tăng bình quân 3,72%/năm.
Đồng thời, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai đã quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Toàn tỉnh hiện có 8 mô hình được chứng nhận VietGAP và GlobalGAP. Theo những nông dân đang ứng dụng quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP ở Đồng Nai, tiếp cận công nghệ sản xuất mới, các hộ sản xuất chủ yếu là thay đổi tập quán như ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học; bón phân, dùng thuốc đúng liều lượng..., trên thực tế chi phí sản xuất theo hướng sạch chỉ tăng nhẹ so với cách làm truyền thống nhưng cây trồng phát triển tốt, hạn chế được dịch bệnh, sản phẩm đạt chất lượng cao.
Đến nay, Đồng Nai trên 90 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có hàng chục xã đạt thu nhập cao, với mức thu nhập bình quân của người dân đạt mức khoảng 50 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, nhiều xã xuất phát điểm rất khó khăn đã vươn lên đạt mức thu nhập thuộc tốp đầu của tỉnh và của cả nước về thu nhập. Đó là các xã nông thôn mới Xuân Tân, thị xã Long Khánh; xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ; xã Long An, huyện Long Thành; xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất..v.v../.