Đồng Nai thêm một huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, huyện Thống Nhất của tỉnh này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Trang trại sản xuất nấm linh chi ở huyện Thống Nhất (Ảnh: K.V)
Như vậy, sau thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc, huyện Thống Nhất là địa phương thứ 3 của tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện đã hình thành được 13 vùng chuyên canh cây trồng, triển khai thực hiện được 20 khu chăn nuôi tập trung theo quy hoạch với tổng diện tích 2.341 hécta. Trong đó, chăn nuôi trang trại với quy mô lớn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Trong giai đoạn 2010-2015, tổng nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới của huyện là 11.414 tỷ đồng, vốn xã hội hóa đạt trên 64%.
Được biết, ngay từ giữa tháng 10/2015, tổ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tổ chức thẩm tra hồ sơ, khảo sát, đánh giá, xét công nhận nông thôn mới đối với huyện Thống Nhất. Qua kiểm tra, 100% ý kiến của thành viên Tổ thẩm định đều đồng ý huyện Thống Nhất đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Theo đánh giá, địa phương đã đầu tư tương đối hoàn thiện về hạ tầng cơ bản, như: giao thông, đường, trường học… Ngoài những tuyến giao thông chính, huyện cũng quan tâm hỗ trợ người dân cứng hóa đường vào tận cánh đồng sản xuất. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã hình thành một cách rõ rệt, tăng cao thu nhập cho nông dân. Thống Nhất là địa phương hình mẫu trong vận động, thu hút nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới với tỷ lệ nguồn vốn xã hội hóa cao.
Liên quan đến việc huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2020, Đồng Nai sẽ tập trung huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để xây dựng nông thôn mới; chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với dịch vụ…Theo đó, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong 5 năm tới của tỉnh này là gần 216 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là trên 27 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng gần 33 nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp 125 nghìn tỷ đồng và nhân dân đóng góp hơn 30 nghìn tỷ đồng./..
K.V