Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đồng Nai: tập trung lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Thứ Tư, 07/09/2022 09:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Để tạo đồng thuận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, các cấp ủy trên địa bàn Đồng Nai đã tập trung lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Tuy nhiên, vẫn còn không ít nơi chưa coi trọng công tác này dẫn đến những bất ổn, xung đột…

     Kiểm tra quy chế dân chủ tại Công ty TNHH Stella Leather Goods- Khu công nghiệp Long Thành, Đồng Nai. (Ảnh: P.Hằng)

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở của tỉnh Đồng Nai Đào Văn Phước thông tin, từ đầu năm 2022 đến nay có 4/11 đơn vị cấp huyện đã tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để xử lý những phản ảnh, kiến nghị của dân.

Đối với các cấp chính quyền đã triển khai thực hiện QCDC cơ sở gắn với thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 9/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ “về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, để thực hiện tốt QCDC cơ sở thì cả người lãnh đạo và người bị lãnh đạo đều phải làm tốt những quy định về QCDC cơ sở. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu phải làm tốt việc công khai theo quy định để tạo ra môi trường dân chủ trong đơn vị.

Quá trình thực hiện các chính sách đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp giám sát, tập trung vào các nội dung: thực hành tiết kiệm chống lãng phí, quản lý tài sản công, quản lý sử dụng và quy hoạch đất đai trên địa bàn tỉnh… Tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Phối hợp cùng chính quyền công khai những nội dung theo quy định để dân biết, dân bàn, dân giám sát và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền. Đồng thời hướng dẫn đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, đảng viên.

Ở từng loại hình, như cấp xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp (DN), việc thực hiện QCDC cơ sở cũng có nhiều kết quả tích cực. Trong đó, xã, phường, thị trấn đã thực hiện QCDC cơ sở theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước của các ấp để phù hợp thực tế địa phương. Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân được quan tâm giải quyết ngay từ cơ sở.

Cụ thể như ở xã Phú Xuân (huyện Tân Phú), chính quyền đã công khai cho dân biết về các nội dung như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: điện, đường, trường, trạm; các chính sách hỗ trợ, vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; đối tượng và mức thu các khoản đóng góp trong nhân dân... Nhờ thực hiện tốt QCDC cơ sở nên xã đã huy động nhân dân đóng góp gần 97% nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, dù là xã vùng xa của huyện, phần lớn dân số là đồng bào có đạo và nhiều thành phần dân tộc thiểu số sinh sống nhưng năm 2021 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đối với các doanh nghiệp (DN), việc thực hiện QCDC cơ sở ngày càng có những chuyển biến tích cực. Từ đầu năm 2022 đến nay, số DN có tổ chức Công đoàn thuộc đối tượng thực hiện theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã tổ chức hội nghị người lao động tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2021; 520 DN đã tổ chức đối thoại với người lao động (tăng 33 đơn vị) và 79,9% DN có tổ chức Công đoàn đã ký mới, tái ký hoặc sửa đổi bổ sung thỏa ước lao động tập thể (tăng 1,82%)…

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở của tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường nhận xét, qua việc thực hiện QCDC cơ sở đã góp phần quan trọng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội, phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng làm tốt QCDC cơ sở.

Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai Bùi Thị Bích Thủy cho biết, vừa qua Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở của tỉnh này đã kiểm tra việc thực hiện QCDC ở một số xã và DN trên địa bàn. Qua kiểm tra, một số DN đã thành lập Đội Theo dõi, thực hiện QCDC tại nơi làm việc nhưng cơ cấu đội này chưa có đại diện người sử dụng lao động và chưa có đầy đủ đại diện các bộ phận của công ty. Hoạt động của đội còn mang tính hình thức, chưa phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, năm 2021 không ít DN chưa tổ chức hội nghị người lao động và các buổi đối thoại theo quy định mà chỉ duy trì các buổi làm việc với ban chấp hành Công đoàn công ty để nắm tình hình công nhân. Công tác phổ biến, tuyên truyền các vấn đề liên quan đến người lao động chưa tốt nên 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ phản ứng ngừng việc tập thể, tăng 5 vụ so với cùng kỳ năm trước.

Một số thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở của tỉnh Đồng Nai thì cho hay, tình hình khiếu kiện của nhân dân, nhất là các nội dung liên quan đất đai còn nhiều, điều này có phần trách nhiệm của cơ quan chức năng khi chưa thực hiện tốt quy định về dân chủ trong nhân dân.

Không ít người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cơ quan chức năng của tỉnh xử lý kỷ luật đều có nguyên nhân do chưa tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ ở cơ quan nên xảy ra những sai phạm.

Mới đây, tại hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở của tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nêu rõ, nơi nào không thực hiện tốt QCDC là nguyên nhân dẫn đến những bất ổn, xung đột cho cơ quan, đơn vị đó, như tập thể, cá nhân có sai phạm; mất đoàn kết nội bộ; không phát huy được sức sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân trong tham gia những nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” theo quy định.

Ban Chỉ đạo QCDC cơ sở của tỉnh nên kiểm tra nhiều hơn việc thực hiện QCDC cơ sở để vấn đề gì mang tính cá biệt, chưa tốt thì chấn chỉnh hoặc tìm cách để giúp nơi đó thực hiện tốt hơn QCDC cơ sở./.

Phương Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN