Đồng hành cùng người dân địa bàn biên giới
(ĐCSVN) - Một mùa xuân mới đang về trong niềm vui của đồng bào các dân tộc ở 15 xã của 3 huyện: Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), Điện Biên và Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), địa bàn thuộc Dự án khu Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) Sông Mã do Đoàn KT-QP 326 thực hiện. Đóng góp vào niềm vui đó, có vai trò không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 326, những người lính đã luôn đồng hành cùng bà con địa bàn biên giới.
Cán bộ, chiến sỹ Đoàn KTQP 326 hướng dẫn kỹ thuật canh tác ngô trên đất dốc cho nhân dân vùng dự án. (Ảnh: QM). |
Đoàn KT-QP 326, Quân khu 2 có nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý và tổ chức thực hiện Dự án khu KT-QP Sông Mã với diện tích tự nhiên gần 244 nghìn ha, thuộc địa bàn 15 xã của 3 huyện: Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), Điện Biên và Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), trong đó có 9 xã biên giới, với trên 190km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Đây là các huyện trên dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số; cơ sở hạ tầng chưa phát triển, kinh tế đặc biệt khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều; thói quen canh tác lạc hậu... Đây cũng là địa bàn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Bám sát đặc điểm này, thời gian qua Đoàn 326 đã thường xuyên thực hiện tốt nhiệm vụ giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh tại khu vực biên giới. Hàng năm, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện làm điểm các mô hình, cách làm mới, hiệu quả, sau đó nhân rộng trong toàn vùng. Nổi bật là các mô hình: trồng cây dược liệu dưới tán rừng; trồng chanh leo; trồng cây ăn quả bền vững trên đất dốc; trồng các giống lúa cạn, sắn, ngô cao sản chịu hạn, phù hợp thổ nhưỡng vùng cao, nắng nóng; nuôi cá nước ngọt; chế biến thức ăn gia súc, gia cầm; chăn nuôi gia súc, gia cầm khép kín… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân học tập, làm theo phương thức nuôi trồng, canh tác đạt hiệu quả; từng bước liên kết với các đơn vị đưa khoa học kỹ thuật tiến bộ vào vùng sản xuất và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm... Từ đó, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Vừa nhanh tay dọn dẹp lại khu chuồng trại nuôi bò để chuẩn bị đón năm mới, anh Mùa A Chư ở bản Tin Tốc B, xã Pú Hồng, huyện Điện Biên chia sẻ: “Mấy năm qua, nhờ mô hình trồng cỏ nuôi cá, nuôi bò do Đoàn 326 triển khai mà nhiều hộ trong bản đã vươn lên thoát nghèo. Nhiều diện tích vườn đồi, ao rộng trước kia bị bỏ hoang thì nay đã được bà con tận dụng để phát triển kinh tế theo cách làm của bộ đội Đoàn 326 để xóa đói, giảm nghèo”.
Với phương châm "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", trong 5 năm qua, Đoàn KT-QP 326 đã huy động 7.000 lượt cán bộ, nhân viên xuống xã, bản, cụm dân cư nắm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tổ chức 130 buổi tuyên truyền vận động với trên 11.000 lượt người tham gia; giúp 108 tổ chức chính trị xã hội nâng cao chất lượng hoạt động; giúp bồi dưỡng, kết nạp 59 đảng viên mới; giúp 302 hộ dân thực hiện một số nội dung thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện của Đoàn cũng tham gia trên 1 vạn ngày công giúp địa phương xây dựng hạ tầng giao thông, mương thủy lợi, cầu treo, nhà văn hóa, công trình nước sạch...
Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 326 hướng dẫn, giúp người dân trồng lúa nước. (Ảnh: DT). |
Thực tế cho thấy, thông qua những mô hình giúp dân thiết thực, Đoàn KT-QP 326 đã góp phần tạo nên bước chuyển quan trọng trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở các huyện: Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), Điện Biên và Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên). Nhất là mô hình trồng lúa nước hai vụ và phát triển kinh tế rừng đã trực tiếp giúp địa phương bảo đảm tốt về an ninh lương thực và nâng cao độ che phủ rừng tại các khu vực giáp biên. Thông qua việc hỗ trợ thực hiện các mô hình, cán bộ, nhân viên Đoàn 326 đã góp phần chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương; qua đó từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tái nghèo. Đặc biệt, các đội sản xuất của Đoàn cũng là lực lượng xung kích trong giúp người dân các xã, bản vùng sâu, vùng xa phát triển sản xuất; mở rộng các dịch vụ văn hóa, y tế; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương. Những kết quả này không chỉ được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong vùng dự án ghi nhận, đánh giá cao mà còn trực tiếp tạo cơ sở quan trọng để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên vùng biên giới của Tổ quốc.
Theo đồng chí Đại tá Trần Văn Chanh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn 326, những mô hình, cách làm cụ thể nói trên đã thể hiện rõ ý thức trách nhiệm và tinh thần chủ động khắc phục khó khăn của cán bộ, nhân viên Đoàn 326. Thành công lớn nhất đơn vị đạt được đó là đã tạo sự thay đổi về cách nghĩ, cách làm cho người dân và góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương từng bước hoàn thành tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững. Phát huy truyền thống, bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, thời gian tới, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 326 sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân trên các địa bàn biên giới; triển khai và nhân rộng hơn nữa các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực xây dựng hệ thống cơ sở chính trị vững mạnh...
Một mùa xuân mới đang về. Sự đồng hành của cán bộ, nhân viên Đoàn 326 sẽ là cơ sở quan trọng để các huyện: Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), Điện Biên và Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) ổn định, phát triển. Từ đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên dải biên cương của Tổ quốc./.