Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Thứ Ba, 12/10/2021 12:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nỗ lực vượt khó, nhiều doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động thay đổi kế hoạch sản xuất kinh doanh, thực hiện “3 tại chỗ”, tìm nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ mới…

Mỗi tháng có 124 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động 

Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, thời gian qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp đang hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập mới doanh nghiệp.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh có 825 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 8.593 tỷ đồng, giảm 7,4% về số doanh nghiệp nhưng tăng 33% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, với 47 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 2.742 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 24% về doanh nghiệp, tăng 145% về vốn đăng ký và chiếm gần 32% tổng vốn đăng ký toàn tỉnh. Tiếp đến là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệp chế biến chế tạo, với 165 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 1.666 tỷ đồng, tăng 3% về số doanh nghiệp, tăng 45% về vốn đăng ký. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có 246 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 1.448 tỷ đồng; lĩnh vực xây dựng 150 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 1.292 tỷ đồng, giảm 7,4% về số doanh nghiệp, tăng gần 7.7% về vốn đăng ký.

Đặc biệt, nhờ các cơ chế, chính sách trợ lực kịp thời, số doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc quay trở lại hoạt động có xu hướng tăng, với 292 doanh nghiệp, tăng trên 42% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm 2021 lên 1.118 doanh nghiệp, tương đương mỗi tháng có 124 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Nỗ lực vượt khó trong đại dịch

Nỗ lực vượt khó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi kế hoạch sản xuất kinh doanh, thực hiện “3 tại chỗ”, tìm nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ mới…Nhờ đó, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ổn định và có xu hướng phát triển. Theo kết quả rà soát của các cơ quan chức năng, có 55,65% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh đánh giá xu hướng sản xuất kinh doanh quý IV năm 2021 sẽ tốt hơn so với quý III; 27,84% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh giữ được sự ổn định và chỉ có 16,49% doanh nghiệp dự báo những tháng cuối năm hoạt động khó khăn hơn.

Trợ lực cho các doanh nghiệp vượt khó, tăng tốc về đích những tháng cuối năm, ngày 1/10/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Văn bản số 8630 về tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; công khai số điện thoại đường dây nóng của Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh, của Trung tâm chỉ huy các cấp và số điện thoại giải quyết phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân tại Sở Kế hoạch và Đầu tư theo số 0211.1022. Đẩy mạnh cải cách hành chính, giữ vững vùng xanh doanh nghiệp; tạo thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguồn cung lao động. Chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ về thị trường, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển trong bối cảnh dịch bệnh./.

 

 

 

(Tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

Thanh Nga

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN