Động đất ở Kon Plông được nhận định là động đất kích thích
(ĐCSVN) - Các nhà khoa học của Viện Vật lý Địa cầu nhận định động đất kích thích ở Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra là do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy sâu trong lòng đất
Bản đồ tâm chấn động đất ngày 9/8. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu |
Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) cho biết, trong 3 ngày (8 - 9 - 10/8), tại tỉnh Kon Tum lại liên tiếp xảy ra 12 trận động đất, trong đó trận động đất có độ lớn M = 4,2 gây rung lắc cho các địa phương lân cận.
Cụ thể, ngày 8/8, tại huyện Kon Plông đã xảy ra 5 trận động đất. Đáng chú ý là trận động đất có độ lớn M = 4,2 xảy ra vào khoảng 22h30'05'' đêm ngày 8/8 tại vị trí có tọa độ 14.849 độ vĩ Bắc, 108.266 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Nhiều người dân ở Gia Lai, Đà Nẵng cảm nhận rõ rung lắc. Trên mạng xã hội, một số người dân Đà Nẵng cũng chia sẻ tình hình rung lắc tại nơi ở.
Ngày 9/8, tiếp tục xảy ra 6 trận động đất nữa tại khu vực Kon PLông. Trong đó, trận có độ lớn nhất là M= 3,4 xảy ra vào khoảng 14h57'54'' tại vị trí có tọa độ 14.928 độ vĩ Bắc, 108.197 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Hôm nay (10/8), tiếp tục xảy ra 1 trận động đất tại huyện Kon Plông. Trận động đất có độ lớn M = 3,3 xảy ra vào khoảng 20h10'42'' ngày 10/8 tại vị trí có tọa độ 14.865 độ vĩ Bắc, 108.320 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, tính từ đầu năm 2024 đến nay, ở Kon Tum đã xảy ra hơn 200 trận động đất. Trong đó, trận động đất mạnh nhất xảy ra ở khu vực này vào trưa ngày 28/7 với độ lớn M = 5,0, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 tại huyện Kon Plông và khu vực lân cận, đã gây rung lắc mạnh cho các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên.
Động đất ở Kon Plông được các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu nhận định là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy sâu trong lòng đất. Động đất kích thích tại huyện Kon Plông có thể kéo dài trong nhiều năm tới, có độ lớn không quá 5,5.
Tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Đắk Đrink. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài hơn 10 năm với cả nghìn trận. Động đất kích thích có thể kéo dài vài năm nhưng cũng có thể kéo dài vài chục năm như từng xảy ra tại Ấn Độ.
Động đất kích thích xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện. Khi nào xảy ra trận động đất mạnh sẽ có các trận động đất nhỏ kèm theo sau đó.
TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, ngay cả thế giới cũng rất khó để dự đoán thời điểm động đất xảy ra. Do đó, các quốc gia tập trung vào giải pháp giảm nhẹ hậu quả động đất, như ưu tiên nghiên cứu xây dựng công trình có khả năng chịu dư chấn cao và huấn luyện người dân kỹ năng sinh tồn khi xảy ra thiên tai.
Để giảm thiểu những rủi ro do động đất gây ra, từ ngày 1 - 5/8, Viện Vật lý địa cầu đã cử đoàn công tác đi khảo sát thực địa, tuyên truyền, hướng dẫn và phát tờ rơi cho người dân về kĩ năng ứng phó với động đất tại khu vực tâm chấn động đất ở các xã: Đắk Tăng, Đắk Nên, Đắk Ring, Măng Bút và Măng Cành.
Thông qua trao đổi trực tiếp với người dân, Viện Vật lý địa cầu sẽ tiếp tục nghiên cứu để xây dựng các tài liệu hướng dẫn sát với thực tiễn địa phương giúp bà con ổn định tâm lý, thích nghi với tình hình động đất... Đồng thời đoàn công tác của Viện Vật lý địa cầu cũng đã lắp đặt thêm 1 trạm quan trắc tự động ở xã Măng Bút.
Như vậy, tính đến nay, Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt 12 trạm quan trắc để theo dõi tình hình động đất tại Kon Tum, trong đó có 8 trạm cố định và 4 trạm di động. Viện cũng sẽ thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về động đất để đánh giá mức độ hoạt động của động đất ở địa phương này./.