Động đất 4.1 độ tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa
(ĐCSVN) – Một trận động đất có độ lớn 4.1 đã xảy ra tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, gây rung lắc mạnh, khiến người dân có thể cảm nhận rõ đồ vật trong nhà bị di chuyển, tuy nhiên không gây thiệt hại.
Vị trí xảy ra động đất tại Thanh Hóa. Ảnh: Viện Vật lý Địa cầu |
Sáng ngày 21/7, Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, trận động đất xảy ra lúc 4 giờ 31 phút 41 giây (giờ Hà Nội) ngày 21/7 có tọa độ 20.068 độ Vĩ Bắc, 105. 446 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trước đó, vào sáng 27/5, một trận động đất độ lớn 3.4 xảy ra ở cuối huyện Nho Quan, Ninh Bình, tiếp giáp với huyện Thạch Thành và Hà Trung của Thanh Hóa cũng gây ra rung chấn khá mạnh khiến người dân trong khu vực cảm nhận rõ rung lắc.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, người dân không nên quá lo lắng vì trận động đất này không có bất thường. Tuy trận động đất có cường độ yếu và không gây thiệt hại nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục theo dõi sát những diễn biến tiếp theo vì đây là khu vực thường xuyên xảy ra những trận động đất nhỏ tại các nhánh đứt gãy thuộc đới Sơn La.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo, khi xảy ra động đất, người dân nên bám chặt vào một khung cửa hoặc chui xuống gầm bàn trong trường hợp ở tòa nhà có kết cấu vững chắc. Nếu ở ngoài trời, cần tránh xa các đường dây điện, cột điện, nên chạy tới vùng đất trống; nếu đang lái xe, người dân cố gắng tấp vào bên đường và dừng lại.
Từ đầu năm đến ngày 10/7, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã ghi nhận 142 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,5 đến 4,1 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam. Đặc biệt, ngày 25/3/2024, trận động đất có độ lớn 4 độ richter đã xảy ra tại ở khu vực huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội.
Làm rõ thêm nguyên nhân liên tục xảy ra động đất trong thời gian gần đây, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh cho biết, trong 142 trận động đất, ngoài các trận động đất kích thích tập trung ở các khu vực hồ thủy điện như tại Kon Tum, Quảng Nam, thì có 10 trận động đất tự nhiên. Các trận động đất tự nhiên xảy ra trên một số đới đứt gãy theo quy luật khi tích lũy đủ năng lượng thì xảy ra động đất. Động đất càng lớn thì khả năng lặp lại càng ít.
Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu duy trì hoạt động thường xuyên, ổn định, liên tục mạng lưới đài, trạm quan trắc vật lý địa cầu quốc gia của Việt Nam với 40 đài, trạm địa chấn quan trắc động đất, 4 đài trạm địa từ, 7 trạm định vị sét và vật lý khí quyển, 1 trạm quan trắc biến dạng vỏ Trái Đất, 1 đài điện ly.
Ngoài mạng trạm quốc gia, ở những khu vực trọng yếu có các công trình quan trọng, Viện Vật lý địa cầu cũng duy trì các mạng trạm quan trắc thuộc các đề tài, dự án khác, cụ thể là 28 trạm quan sát động đất phục vụ quan trắc đánh giá an toàn đập thủy điện trên bậc thang sông Đà; 10 trạm khu vực thủy điện Sông Tranh 2, Bắc Trà My, Quảng Nam; 10 trạm quan sát động đất khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế; 8 trạm vật lý khí quyển khu vực Hà Nội.
Theo Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh, với thiết bị hiện đại, các công cụ xử lý số liệu tự động cho phép định vị động đất trong khoảng thời gian từ 3-5 phút sau khi động đất xảy ra./.