Dòng chảy xa bờ và những điều cần lưu ý
(ĐCSVN)- Khi đi tắm biển, chúng ta thường nghe tới dòng chảy xa bờ. Nhưng ít ai biết được mối nguy hiểm của hiện tượng này. Đây được xem là nguyên nhân chính gây ra phần lớn các vụ tai nạn đuối nước trên biển dù chúng ta có biết bơi hay không biết bơi.
Hình ảnh về dòng chảy xa bờ |
Dòng chảy rút xa bờ, còn gọi là dòng chảy xa bờ, dòng rip hay dòng rút bờ, là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển. Thực tế hiện nay, không nhiều người biết về sự nguy hiểm của dòng chảy này trong khi nó xuất hiện khá thường xuyên ở một số khu vực bãi biển của Việt Nam.
Vận tốc trung bình của dòng chảy có thể thay đổi từ 0,5 m đến 1m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Có khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy rút xa bờ có thể lên đến 2,5 m/giây, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic. Dòng chảy rút xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng 1–3 m. Tuy nhiên, có khi dòng chảy này có bề rộng dọc bờ từ 3-30m và chiều dài ra biển từ 100-150m. Trong một ngày chúng có thể di chuyển đến những vị trí khác nhau trong vùng đới sóng đổ. Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất cứ vùng đới sóng đổ nào của đại dương, biển, và những hồ lớn.
Một số điều cần lưu ý khi chúng ta bị rơi vào dòng chảy xa bờ:
- Bình tĩnh, không hoảng loạn.
- Tuyệt đối không được cố bơi ngược dòng chảy xa bờ để vào bờ.
- Đối với người bơi giỏi. Nếu bạn tự tin, hãy bơi song song với bờ biển, thường sẽ hướng đến chỗ có sóng bạc đầu và nhờ sóng đưa bạn vào bờ.
- Đối với người bơi yếu
+ Bất cứ khi nào bạn thấy không thể chạm bờ biển, đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu trợ giúp, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức.
+ Nếu đòng chảy xa bờ yếu đi, cố gắng bơi song song với bờ biển để đến chỗ có sóng bạc đầu nhờ sóng đưa bạn vào bờ. Một lần nữa, nếu thấy không thể chạm bờ biển, đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu trợ giúp, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức.
- Nên tắm biển ở những bờ biển có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và bơi ở vùng an toàn, cần quan sát các chỉ báo an toàn và nếu cần thì nên trao đổi với nhân viên cứu hộ để biết đặc điểm bờ biển mà bạn sắp xuống tắm.
- Cần biết bơi và không nên bơi một mình. Nếu bạn không chắc thì không nên xuống biển tắm.