Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đồng bào Chăm ở An Giang được tạo điều kiện phát triển

Chủ Nhật, 15/10/2023 18:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đồng bào Chăm ở An Giang được quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện để xoá đói giảm nghèo, được tự do hành lễ theo qui định Hồi giáo.

An Giang là tỉnh có số người Chăm Islam sinh sống nhiều nhất ở Nam Bộ. Theo thống kê, toàn tỉnh có 15.327 người Chăm theo Islam giáo, chiếm tỷ lệ 0,67% tổng số dân trên địa bàn.

Những năm qua, đồng bào Chăm ở An Giang được Nhà nước và chính quyền địa phương các cấp quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện để xoá đói giảm nghèo, được tự do hành lễ theo qui định Hồi giáo. Đồng bào còn được chính quyền địa phương và ngành chức năng giúp đỡ trong việc xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, có cả đội bóng đá, đội bóng chuyền, đội văn nghệ...

Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ dân tộc Chăm tại Tiểu Thánh đường Nou Ri Dil, xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang (Ảnh minh họa) 

Đặc biệt, chính quyền đã tạo điều kiện đưa tiếng nói và chữ viết Chăm vào chương trình dạy song ngữ trong trường tiểu học, giúp con em đồng bào Chăm được học tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình.

Để chăm sóc sức khỏe cho bà con, ở tất cả các xã có đồng bào dân tộc Chăm đều có trạm y tế kiên cố, mỗi trạm đều có các bác sĩ, hộ sinh, được trang bị tương đối đầy đủ các thiết bị và kinh phí hoạt động.

Ngành Y tế còn thường xuyên tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo là người Chăm ở các địa phương trong tỉnh.

Các hoạt động tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… được tiến hành thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức bảo vệ sức khỏe trong cộng đồng dân tộc Chăm.

Các lớp y sĩ dành cho người dân tộc thiểu số, trong đó có người Chăm luôn được chính quyền địa phương quan tâm tổ chức. Sau khi học viên tốt nghiệp đều được phân công, bố trí việc làm ổn định.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2 trường tiểu học dạy song ngữ Việt - Chăm ở Khánh Hòa (Châu Phú) và Phú Hiệp (Tân Châu). Học sinh dân tộc Chăm được miễn học phí và miễn đóng góp các loại quỹ. Hàng năm, nhiều học sinh người Chăm được cử tuyển vào đại học và dự bị đại học. Tỷ lệ học sinh, sinh viên người Chăm gia tăng đáng kể trong các năm qua, có nhiều người còn được cử đi du học Malaysia và Inđônêsia./.

Đức Thành

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN