Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất nông nghiệp xanh bền vững
Trong quá trình chuyển đổi xanh, các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang có lợi thế là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, tỷ lệ phủ xanh cao, ít có nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp ô nhiễm, còn nhiều khu dự trữ sinh quyển quý giá.
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực đang và được dự báo tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Hạn hán, nước lũ, ngập lụt, sự tăng giảm nhiệt độ, nắng nóng bất thường, mưa lớn cục bộ, sạt lở sông, bờ biển là những biểu hiện cụ thể của biến đổi khí hậu nơi đây.
Hai chủ thể chính: Nông dân và doanh nghiệp
Nông nghiệp được ví như trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng lại chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Nhằm góp phần làm giảm phát thải trong tiến trình chung toàn quốc, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu hướng tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh.
Sản xuất nông nghiệp xanh đang được các địa phương đặc biệt coi trọng |
Việt Nam là quốc gia tiên phong cam kết giảm thải carbon bằng 0 (Net Zero) vào 2050. Đây là mức cam kết rất mạnh mẽ, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, và cũng là một định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Nhiều chuyên gia cho rằng mặc dù nhiều áp lực về quá trình chuyển đổi, nhưng Net Zero cũng mở ra những cơ hội kinh doanh mới, đó là giá trị thu được từ phát thải, còn gọi là “tín chỉ carbon” mà nhiều nước đang áp dụng. Ở các quốc gia này, người tiêu dùng bắt đầu chủ động lựa chọn các sản phẩm “xanh”, hay ít nhất là đạt mức trung hòa carbon nhằm bảo vệ cho chính tương lai của mình trong điều kiện Trái Đất đang nóng lên bởi hiệu ứng khí nhà kính.
Mô hình sinh thái “ruộng lúa, bờ hoa” đang được áp dụng gần đây ở nhiều địa phương miền Tây Nam Bộ và cho hiệu quả cao, như ở Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang… Bà con những vùng này có thói quen đốt đồng (rơm, rạ) sau mỗi mùa thu hoạch lúa. Khói đen cuồn cuộn bao phủ cả một vùng, gây ô nhiễm môi trường xung quanh dù đó là giải pháp khả dĩ tồn tại trong nhiều thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ nay.
Hiện nay mọi thứ đã khác, thay vào cảnh khói đen vì đốt đồng, bà con nông dân đã dùng rơm cuộn lại để trồng nấm, làm phân hữu cơ hay thức ăn cho gia súc, vừa giảm phát thải khí nhà kính lại có thêm thu nhập, gia tăng lợi ích kinh tế.
Theo tính toán, mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” giúp nông dân duy trì sự ổn định giữa các đối tượng gây hại và các sinh vật có ích trên đồng ruộng. Mô hình này giúp giảm hơn 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm chi phí sản xuất trên mỗi công (sào) lúa mỗi vụ, tăng hơn 10% lợi nhuận cho người trồng lúa; đồng thời giúp cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Một thống kê gần đây của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy đến nay vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có gần 40.000 ha lúa canh tác theo mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” và phần lớn diện tích luôn được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định, đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường nội địa và xuất khẩu. Sắp tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ nhân rộng mô hình nhằm từng bước góp phần hướng đến nông nghiệp xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Muốn phát triển nông nghiệp xanh, theo Giáo sư viện sĩ Võ Tòng Xuân thì Nhà nước cần xác định hai chủ thể chính là nông dân và doanh nghiệp. Theo đó, trước tiên cần đưa nông dân vào các hợp tác xã, tổ sản xuất,... để cùng sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch. Khi nông dân cùng tham gia sản xuất với quy trình chuẩn thì sản phẩm của họ sẽ được tiêu thụ bởi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn với giá cao hơn mà không bị thu lỗ.
Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đi đầu trong xây dựng nền nông nghiệp xanh để họ mở thị trường; đồng thời phải có các quy định khắt khe trong việc sử dụng các hóa chất độc hại.
An Giang tiên phong với một triệu ha lúa chuyên canh
Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” của Chính phủ nhằm tạo ra vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn với sự liên kết giữa người trồng lúa, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao nhằm góp phần giảm phát thải thấp |
Mục tiêu của đề án nhằm hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, và tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp giảm phát thải khí nhà kính trên 10%, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Đề án được triển khai tại 12 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Mới đây, tại An Giang, một hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện đề án đã được tổ chức đã quy tụ đông đảo các đại diện đến từ Viện lúa IRRI, các doanh nghiệp sản xuất, liên kết, tiêu thụ lúa gạo, kinh doanh vật tư, máy móc nông nghiệp, các hợp tác xã và nông dân sản xuất lúa tiêu biểu. Tại hội nghị, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang cho biết, tỉnh An Giang có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, nguồn nước để canh tác lúa; là một trong 2 địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng lúa. Trên địa bàn tỉnh có nhiều nông dân giỏi, trên 220 hợp tác xã, gần 1.000 tổ hợp tác, hơn 30 doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa.
Vẫn theo người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang, nhằm phát huy thế mạnh ngành hàng lúa gạo, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, tỉnh đã và đang tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về tiếp cận nguồn vốn, tích tụ đất đai, chính sách thuế, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia vào đề án.
Theo kế hoạch đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn An Giang phấn đấu đạt 44.051 ha trên cơ sở diện tích vùng dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT trước đây, và nhân rộng ở những vùng thuận lợi.
Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp phấn đấu đạt 152.198 ha. An Giang phấn đấu 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc các tổ chức nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.