Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đơn giản hóa thủ tục đầu tư để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Thứ Năm, 10/10/2024 13:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chính phủ đề xuất bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm đơn giản hoá thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Tiếp tục phiên họp thứ 38, sáng 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Đề xuất thủ tục đầu tư đặc biệt đối với một số dự án đổi mới sáng tạo

Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Luật này tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật có mâu thuẫn, đang gây khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, Dự thảo Luật sửa đổi Điều 31, 32 Luật Đầu tư để phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với: dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt; dự án đầu tư không phân biệt quy mô thuộc phạm vi bảo vệ của khu vực I và khu vực II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ các dự án đầu tư thuộc khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới nhằm tạo chủ động cho các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Ảnh: TL.

Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Đầu tư để quy định về thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp đối với một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

Đặc biệt, Dự thảo Luật bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm đơn giản hoá thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Theo đó, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, chip, và lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo quy trình đăng ký đầu tư tại Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày. Đi cùng với đó là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm thủ tục hành chính liên quan.

Rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật, liên quan đến thủ tục đầu tư đặc biệt, cơ quan thẩm tra -Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cân nhắc chỉ giới hạn quy định cho đối tượng là một số dự án lớn, đặc thù, có tính chất lan tỏa vùng, miền, cả nước, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, cần thực hiện ngay để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư.

“Việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc phân cấp đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Bày tỏ rất nhất trí về việc thực hiện thủ tục đầu tư đặc biệt, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh quan điểm: Đặc biệt là phải nhanh, đặc biệt không có nghĩa là rút gọn những thủ tục mà là một thủ tục đầu tư được thiết kế đặc biệt, đặc biệt về mặt hồ sơ, về quy trình, thủ tục.

  Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TL.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc xây dựng một luật sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư với quy trình rút gọn là cần thiết để giải quyết những bức xúc trong thực tiễn.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tiếp tục rà soát để tháo gỡ những gì đang thực sự cấp bách, thực sự vướng, áp dụng được nhiều trường hợp, “còn nếu cả nước chỉ có 1, 2 dự án vướng thì không phải vấn đề cấp thiết”. Đồng thời, phải sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân, tránh việc chỉ tạo thuận lợi cho việc quản lý nhà nước mà khó khăn hơn cho doanh nghiệp, người dân.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm cần bám sát kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi đưa dự án Luật này vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh. Theo đó, các nội dung dự kiến sửa đổi cần rà soát kỹ để đảm bảo không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định khác của các Luật hiện hành có liên quan. Đặc biệt là đảm bảo tính thống nhất nội tại của từng Luật được sửa đổi.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho rằng, xây dựng hành lang pháp lý không chỉ hỗ trợ mà còn kiến tạo phát triển cho người dân nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn. Việc rà soát những vấn đề thực sự cấp bách, cần thiết để sửa đổi là rất chính xác. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát những vấn đề quan trọng theo ý kiến đóng góp của các đại biểu để đảm bảo đồng bộ của pháp luật./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN