Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đối thoại

Thứ Sáu, 05/05/2017 09:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Khiếu nại về đất đai, cụ thể là việc thu hồi đất, giá bồi thường, đất tái định cư... luôn là vấn đề “nóng”, phức tạp... Để giải quyết thấu đáo, có hiệu quả khiếu nại về đất đai cần nhiều giải pháp, trong đó đối thoại được xem như giải pháp giảm sức “nóng” nhanh nhất.

 Ảnh minh họạ. Nguồn: noichinh.vn

Đối thoại trong giải quyết khiếu nại có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho người khiếu nại được trình bày hết  bức xúc cũng như nhận thức của mình về vấn đề khiếu nại, đưa ra những căn cứ khiếu nại khiến cho người giải quyết khiếu nại hiểu rõ hơn vụ việc để giải quyết được khách quan, dân chủ và đúng pháp luật. Do không đối thoại nên mới có sự cố người dân phải dùng những biện pháp trái pháp luật nhằm gây áp lực để đạt được nguyện vọng được đối thoại với cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Với ý nghĩa quan trọng như thế nên từ Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 đến Luật Khiếu nại năm 2011 đều qui định đối thoại là một thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết khiếu nại.

Khoản 1 Điều 30 Luật Khiếu nại năm 2011 qui định: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại”. Luật còn qui định về đối thoại lần thứ hai: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại”.

Như vậy có thể nói, pháp luật đã qui định về thủ tục đối thoại khá chặt chẽ, nhưng thực tế khiếu nại về đất đai kéo dài, vượt cấp, đông người vẫn chưa thuyên giảm.

Thực trạng đó cho thấy chất lượng đối thoại chưa cao, nhiều nơi chưa thật sự chú trọng thủ tục này. Người dân khiếu nại vượt cấp, kéo dài là do họ cho rằng giải quyết khiếu nại lần đầu không thỏa đáng, chưa giải quyết vụ việc khách quan, đúng pháp luật. Nguyên nhân có thể có nhiều, nhưng chắc chắn có nguyên nhân từ chất lượng đối thoại không đạt yêu cầu. Phía người giải quyết khiếu nại chưa lắng nghe và giải thích thấu tình đạt lý những yêu cầu mà người dân đưa ra.

Để nâng cao chất lượng đối thoại trong giải quyết khiếu nại, vấn đề đặt ra là các cơ quan giải quyết khiếu nại phải chấp hành thật đầy đủ qui định của pháp luật về khiếu nại. Trong đó, vai trò của người chủ trì đối thoại là quan trọng nhất. Người chủ trì đối thoại phải xác định rằng tổ chức phiên đối thoại là để thu thập và củng cố chứng cứ nhằm xác định sự thật khách quan của vụ việc, tìm ra nguyên nhân, điều kiện phát sinh vụ khiếu nại, trách nhiệm các bên liên quan, làm rõ những căn cứ mà người dân đưa ra để khiếu nại.

Những thông tin thu được từ phiên đối thoại là căn cứ để người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có những quyết định đúng đắn. Vì tính thiết thực và quan trọng như vậy nên phiên đối thoại phải thực chất, mang tính dân chủ, dựa trên những qui định của pháp luật. Đây cũng là một hoạt động tuyên truyền, giải thích pháp luật nên người chủ trì đối thoại phải có năng lực chuyên môn tốt cộng với kỹ năng thương lượng, thuyết phục, bởi lẽ suy cho cùng thì đối thoại cũng là biện pháp hòa giải. Để hòa giải thành công thì người dân phải được trình bày hết lý lẽ, nguyện vọng của mình với sự lắng nghe, tôn trọng của người đối thoại.

Và điều kiện cuối cùng, cũng là điều kiện tiên quyết để đối thoại có hiệu quả cao là người chủ trì đối thoại phải khách quan, công bằng dựa trên các qui định của pháp luật, tuyệt đối không thiên vị, bao che cho sai phạm. Nếu người dân nhận thức không đúng, khiếu nại không có căn cứ thì cần kiên trì thuyết phục, thậm chí cảm hóa họ bằng thái độ nghiêm túc nhưng chân thành, đưa ra cho họ thấy những qui định của pháp luật về nội dung khiếu nại không có căn cứ của họ, phải bằng tác phong, thái độ và kiến thức khiến người đối thoại “tâm phục, khẩu phục” mới thành công. Ngược lại, nếu khiếu nại của người dân có căn cứ, quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không đúng qui định của pháp luật thì cũng phải được ghi nhận đầy đủ để kiến nghị người có thẩm quyền đưa ra quyết định bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.

Thực tiễn giải quyết khiếu nại đặt ra yêu cầu cao về chất lượng đối thoại để khiếu nại được giải quyết ngay từ cấp đầu tiên, nếu phức tạp thì ở cấp trên trực tiếp. Nếu cấp cơ sở đối thoại tốt thì chắc chắn áp lực khiếu nại không dồn lên Trung ương một cách quá tải, gây bức xúc và phức tạp như hiện nay./.

Thái Vũ

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN