Đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao
(ĐCSVN) - Nhờ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống văn hóa tinh thần và tiếp cận dịch vụ công cộng của đồng bào dân tộc thiểu số nước ta ngày càng được cải thiện.
Với chủ trương xây dựng nền văn hóa thống nhất, đa dạng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam, trong đó ưu tiên phát triển văn hóa các DTTS rất ít người, Đảng và Nhà nước ta xác định, cùng với chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo thì việc bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược phải thực hiện kiên trì, lâu dài.
Nét đẹp bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số ở Quảng Nam (Ảnh: CTV) |
Nhờ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống văn hóa tinh thần và tiếp cận dịch vụ công cộng của đồng bào DTTS nước ta ngày càng được cải thiện.
Năm 2023, tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt trung bình 92,8%; tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ truyền thống hoạt động thường xuyên có chất lượng đạt trung bình 56,1%.
Cơ hội tiếp cận thông tin của người DTTS ngày càng được mở rộng, với tỷ lệ hộ DTTS được tiếp cận internet đạt 61,3% (năm 2019), tăng hơn 9 lần so với năm 2015.
Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình đạt trung bình 94,9%; tỷ lệ đồng bào DTTS được nghe đài phát thanh 94%. Các đài phát thanh, truyền hình không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình, chuyên mục; chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá DTTS thông qua việc tăng thời lượng phát sóng các chương trình bằng nhiều thứ tiếng dân tộc; phản ánh các mặt hoạt động, nét văn hoá đặc trưng và giữ gìn bản sắc văn hoá DTTS cũng như phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam.
Các cấp, các ngành đã mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể của DTTS có số dân rất ít người như: Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, Si La... tại các tỉnh: Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Bình...
Nghề dệt truyền thống vừa mang lại việc làm, vừa góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tăng thu nhập cho cộng đồng người Mông ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình (Ảnh: CTV) |
Tại các địa phương có đông đồng bào Xtiêng, Chăm, Ba Na, Cơ Ho, Mnông, Ê Đê, Vân Kiều, Khơ Mú, Mường, Thái, Mông… sinh sống, đã gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS với phát triển du lịch bền vững, giúp người dân giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thông qua các hoạt động văn hoá đã góp phần tuyên truyền vận động để các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam hiểu về nhau, gần gũi tương hỗ giúp nhau cùng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Tạo điều kiện để đồng bào tham gia và phát huy vai trò làm chủ trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng DTTS và miền núi.