Đổi mới thi cử ngày càng gọn nhẹ, giảm áp lực
(ĐCSVN)- Ngày 15/10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã có cuộc tiếp xúc cử tri là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nhân dân tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV. Tại đây, Bộ trưởng đã giải đáp nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp xúc cử tri tỉnh Bình Định trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Minh Thu
Trả lời ý kiến của một số cử tri là giáo viên đang giảng dạy tại các trường học trên địa bàn huyện Tây Sơn về vấn đề thừa - thiếu giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề đặt ra từ khi bắt đầu xây dựng chương trình, vì vậy, Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp cụ thể. Trong đó, lần đầu tiên Bộ đã xây dựng được cơ sở dữ liệu chính xác về số lượng giáo viên ở từng cơ sở giáo dục nhằm đánh giá đầy đủ thực trạng đội ngũ, nhất là vấn đề thừa - thiếu. Bộ đã cung cấp cơ sở dữ liệu này cho các địa phương để căn cứ vào đó địa phương xác định cung - cầu, có kế hoạch sắp xếp, tuyển dụng và phối hợp với các trường sư phạm chủ động đào tạo mới, đào tạo lại đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Đối với phương án, lộ trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong giai đoạn tới được nhiều cử tri quan tâm đặt câu hỏi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có nhiệm vụ đổi mới phương thức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, từ năm 2015 đến nay, kỳ thi THPT quốc gia đã được tổ chức theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém, minh bạch, nhẹ nhàng, tăng cơ hội xét tuyển đại học, cao đẳng đúng nguyện vọng cho thí sinh.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ phương án đổi mới kỳ thi. Theo đó, năm 2020 giữ ổn định kỳ thi như những năm vừa qua. Giai đoạn 2021-2025 sẽ từng bước đổi mới theo hướng áp dụng thi trên máy tính ở những địa phương có đủ điều kiện. Việc đổi mới kỳ thi trong giai đoạn tới được xác định là hướng tới mục tiêu ngày càng gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, đảm bảo chất lượng, hạn chế tối đa tiêu cực và tiệm cận với xu hướng của thế giới.
Giải đáp băn khoăn của một số giáo viên và cán bộ công tác trong ngành Giáo dục đã nghỉ hưu về chính sách lương hưu đối với những người đã phục vụ trong ngành hơn 40 năm, Bộ trưởng cho biết, ngành Giáo dục sẽ tham mưu cho Chính phủ những chính sách phù hợp, đồng thời cũng sẽ làm việc với bảo hiểm để có phương án tối ưu nhất cho những người đương nhiên được thụ hưởng chính sách lương hưu sau những năm tháng cống hiến cho ngành.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng dành thời gian chia sẻ với cử tri về những khoản đóng góp đầu năm học và chính sách xã hội hóa giáo dục đang được triển khai nhằm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước và nâng cao chất lượng giáo dục. Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta vận động xã hội chung tay nhưng không phải ép buộc phụ huynh đóng góp hay gợi ý phụ huynh đóng góp mà phải trên tinh thần tự nguyện với sự thống nhất của hội đồng trường, hội đồng nhân dân địa phương.
Trước vấn đề cử tri đề cập là việc sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh của Trường cao đẳng Bình Định sau khi tốt nghiệp không được tiếp nhận hồ sơ dự tuyển giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị ngành Giáo dục tỉnh Bình Định phối hợp với ngành Nội vụ để xem xét, tạo điều kiện cho các em sinh viên sau khi ra trường có được cơ hội tìm kiếm việc làm, đảm bảo công bằng cho các em.
Về công tác phòng chống ma tuý trong học đường được nhiều cử tri nêu lên, Bộ trưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Công an xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống ma tuý học đường. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả không thể thiếu sự phối hợp của gia đình, nhà trường và địa phương. Do đó, Bộ trưởng đề nghị, mỗi gia đình, nhà trường, mỗi địa phương và toàn xã hội cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa thể từng bước đẩy lùi tệ nạn ma tuý nói chung và ma tuý trong học đường nói riêng./.