Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra

Thứ Năm, 13/09/2018 18:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đó là chủ đề của buổi Tọa đàm trực tuyến do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 13/9. Việc đổi mới thi cử là một trong những khâu đột phá của đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, góp phần cải cách giáo dục sâu rộng, đúng định hướng.

Tại buổi Tọa đàm, đánh giá về những tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, với quy chế như hiện nay, nếu mỗi cá nhân thành viên tham gia chính thức của cụm thi, điểm thi và Hội đồng thi làm hết trách nhiệm thì chắc không có chuyện gì xảy ra, nên cần quán triệt tới từng thành viên hội đồng trong quá trình tổ chức triển khai, các thành viên làm hết trách nhiệm của mình. Trách nhiệm đầu tiên là những cá nhân trực tiếp tham gia các điểm thi xảy ra sai phạm. Kỳ thi THPT đã giao cho Sở GD&ĐT chủ trì, UBND, Ủy ban chỉ đạo các cấp của tỉnh trực tiếp tham gia, nên Ban chỉ đạo của địa phương, hội đồng thi địa phương phải có trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ. (Ảnh: daibieunhandan.vn)

Về phía cơ quan chỉ đạo, để giải quyết việc ra đề thi có sự phân hóa mạnh, một số bài quá khó, Bộ GD&ĐT phải xây dựng được ngân hàng câu hỏi đảm bảo phong phú chất lượng, chuẩn hóa để đạt được mục đích của kỳ thi. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần xây dựng đội ngũ chuyên gia có năng lực và hiểu biết sâu rộng về phương pháp khảo thí, từ đó đề xuất các phương thức tiệm cận quốc tế trong quá trình thi, kiểm tra đánh giá và đổi mới giáo dục. Trong thời gian tới, Bộ cũng cần có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật, nhằm phát hiện sai phạm, tiêu cực. Như trong kỳ thi vừa qua, phát hiện tiêu cực là do có sự điều chỉnh giấy niêm phong túi đựng bài thi.

Từ những sơ hở trong thực thi, những tiêu cực thi cử vừa xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình là điều không mong muốn. Dưới góc nhìn của cơ quan xây dựng chính sách, cơ quan giám sát thực thi luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng, việc khắc phục các sự cố giúp cho chất lượng kỳ thi tốt hơn thuộc vấn đề kỹ thuật, triển khai. Bản thân Luật Giáo dục cũng không quy định rõ, Nghị quyết 88/2014/QH13 cũng chỉ nêu mục tiêu. Hiệu quả, yếu tố tích cực của kỳ thi chúng ta không phủ nhận, nó giảm chi phí, tốn kém cho xã hội, người dân, giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh, xã hội… Và các điểm tồn tại bất cập chúng ta cũng đã thấy.

Chúng ta cũng thấy yếu tố về mặt kỹ thuật. Đây là kỳ thi chúng ta thường gọi nôm na là kỳ thi “hai trong một” nhưng thực tế hai mục tiêu khá khác nhau. Với góc độ thi tốt nghiệp THPT, trình độ giáo dục phổ thông là trình độ phổ cập. Kỳ thi này mang tính chất sát hạch thì đúng hơn, để xem học sinh trải qua quá trình học ở trường phổ thông đã nắm được kiến thức trang bị chưa, để có đủ kiến thức văn hóa tối thiểu tiếp tục học lên hoặc là bước ra thị trường lao động. Ở đây không có tính chất sàng lọc nghiêm ngặt mà cứ đạt chuẩn là sẽ tốt nghiệp. Cho nên, thực tế kết quả kỳ thi này thường rất cao, các trường gần như đạt 99%, hầu như ai thi cũng đỗ, không có mục tiêu sàng lọc ở kỳ thi THPT này.

Mục tiêu thứ hai là để xét tuyển ĐH, CĐ là phải chọn được thí sinh có đầy đủ kiến thức, hiểu biết, kỹ năng, đầy đủ tư duy để có thể học ở phần cao hơn ở hệ thống giáo dục quốc dân là ĐH, CĐ. Kỳ thi này là vừa sàng lọc để chọn thí sinh phù hợp với bậc đào tạo này, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội cũng như năng lực đào tạo của các trường ĐH, CĐ.

“Mục tiêu của hai kỳ thi rất khác nhau, ghép kỳ thi này về kỹ thuật là rất khó. Nếu đạt mục tiêu thứ nhất một cách trọn vẹn thì mục tiêu thứ hai sẽ không đạt trọn vẹn. Nghĩa là đề thi không phân hóa thì không sàng lọc được, lựa chọn được thí sinh xuất sắc nhất vào ĐH, CĐ. Còn ngược lại, nếu chọn mục tiêu thứ hai thì mục tiêu xét tốt nghiệp giảm đi số lượng tốt nghiệp THPT thì cũng không trọn vẹn. Đó là lý do tôi cho rằng ghép hai khâu này vào khó. Đó là điều cần suy nghĩ, từ việc tổ chức, thi, ra đề…” - TS Phạm Tất Thắng bày tỏ.

Mặt khác, về phía trách nhiệm nhìn nhận, trước tiên, đây là trách nhiệm của một số cá nhân ở một số địa phương, còn quy định đã chặt chẽ. Sai phạm chỉ diễn ra ở một số địa phương hữu hạn, liên quan đến một số cá nhân, những người được giao trách nhiệm trong kỳ thi này. Nếu chỉ là mục tiêu tốt nghiệp THPT thì chắc sẽ không có nhiều sai phạm. Sai phạm chủ yếu ở đây là làm cho thí sinh có kết quả tốt để đáp ứng được yêu cầu xét tuyển ĐH, CĐ, thậm chí có thể vào một số trường danh tiếng. Đây rõ ràng là vấn đề kỹ thuật các nhà quản lý quan tâm, để hài hòa hai mục tiêu này.

Qua đó, TS Phạm Tất Thắng cho rằng, Bộ GD&ĐT nên quan tâm yếu tố kỹ thuật. Qua kỳ thi, chúng ta thấy sai sót, lỗ hổng, chúng ta đã nhìn nhận rồi, hổng chỗ nào ta bịt chỗ đó. Thứ nhất, góc độ quản lý, cần tiếp tục rà soát quy chế thi, sơ hở thấy rồi thì phải có quy định cụ thể hơn, rõ trách nhiệm hơn của các khâu, các cá nhân trong tổ chức kỳ thi này. Để các khâu đều tường minh, một người không thể tác động đến nhiều khâu của quá trình tổ chức thi. Thứ hai, yếu tố cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý với địa phương. Đành rằng chúng ta đã có những phân cấp cụ thể và trách nhiệm triển khai thuộc về địa phương, ban chỉ đạo kỳ thi của địa phương nhưng sự phối hợp giữa trung ương với địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước với địa phương cần quan tâm. Làm sao phát huy được trách nhiệm và vai trò của các cơ quan trong bảo đảm an toàn, chính xác đối với kỳ thi này. Tăng trường kiểm tra, giám sát để từng khâu có đánh giá, nhìn nhận, kịp thời phát hiện ra sai sót, bất cập, sẽ tránh được hậu quả đáng tiếc.

Về phía Bộ GD&ĐT, nêu giải pháp khắc phục lỗ hổng nhằm có được một kỳ thi nghiêm túc và đảm bảo chất lượng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, để khắc phục những tồn tại của kỳ thi năm nay, về phía Bộ GD&ĐT, có những nội dung: bổ sung nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi theo hướng phong phú hơn, chất lượng, chuẩn hóa, bảo đảm có dữ liệu, cơ sở để ra kỳ thi phù hợp, đạt mục tiêu đề ra. Hoàn thiện quy chế, khắc phục những điểm hạn chế về kỹ thuật, làm sao tạo rào cản kỹ thuật chặt chẽ, không có sơ hở, có cơ chế kiểm soát, để cho những người có nghề về công nghệ thông tin, nếu có ý gian lận cũng khó thực hiện.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ giữa trường ĐH, CĐ với các Sở để có kỳ thi chất lượng. Tăng cường công tác tập huấn cho giáo viên, giảng viên coi thi, chấm thi. Đặc biệt chấm thi cũng có sự điều chỉnh, làm sao để giáo viên không chấm thi học sinh của tỉnh mình, giảng viên đại học địa phương cũng vậy, không coi thi, chấm thi ở địa phương mình, để đảm bảo khách quan. Trong công tác phối hợp với địa phương, phối hợp chặt chẽ giữa ban chỉ đạo trung ương và địa phương để chỉ đạo kỳ thi.

Về Luật Giáo dục, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV đã cho phép Bộ GD&ĐT chuyển dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và sẽ sửa khá cơ bản, toàn diện. Quan điểm sửa luật là nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Đảng vào trong Luật, nhất là Nghị quyết 29 Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; Cụ thể hóa Hiến pháp 2013 liên quan tới phát triển giáo dục đào tạo, trong đó có những chủ trương lớn, đặc biệt là việc thực hiện giáo dục bắt buộc tiểu học hay Nghị quyết 29 Trung ương hướng tới năm 2020 có thể thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm; bảo đảm tính toàn diện, khả thi, phù hợp với thực tiễn, khắc phục những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện luật; đảm bảo tính kế thừa, phát triển các quy định của pháp luật, coi Luật Giáo dục vừa là luật khung, vừa là nền tảng cho các luật chuyên ngành khác.

“Do việc sửa đổi khá toàn diện, nên tôi mong muốn cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội quan tâm đóng góp nhiều ý kiến. Bộ GD&ĐT cầu thị tiếp thu các ý kiến để chỉnh sửa Luật Giáo dục cho hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục” -  Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN