Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đổi mới linh hoạt phương thức tiếp xúc cử tri

Thứ Năm, 15/09/2022 10:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trưởng Ban Dân nguyện kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tiếp tục đổi mới, linh hoạt hơn về phương thức tiếp xúc, thu thập ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân tại địa phương.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu tại Phiên họp thứ 15. Ảnh: QH

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, chiều 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2022.

Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, cử tri đặc biệt quan tâm theo dõi và hoan nghênh hoạt động của UBTVQH trong thời gian qua, nhất là tại Phiên họp thứ 14 của UBTVQH đã tổ chức chất vấn về một số vấn đề có ảnh hưởng, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống của Nhân dân được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm và tin tưởng việc chất vấn tại các phiên họp của UBTVQH sẽ đem lại hiệu quả cao, tạo sự chuyển biến tích cực, khắc phục được những hạn chế trong các lĩnh vực này.

Trong tháng 8/2022, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với tháng 7/2022. Qua công tác phối hợp với Bộ Công an và nắm tình hình, trong tháng 8/2022 có nổi lên 08 vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.

Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 8/2022, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã tiếp 623 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 507 vụ việc và có 36 lượt đoàn đông người so với tháng 7/2022, tăng 16 lượt người về 11 vụ việc và 21 lượt đoàn đông người.

Trong tháng 8/2022, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH nhận được 2.072 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Qua phân loại có 811 đơn đủ điều kiện xử lý, các cơ quan đã chuyển 411 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ban hành 94 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân, tiếp tục nghiên cứu 150 đơn, xếp lưu 156 đơn và nhận được 182 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền về tiến độ giải quyết, kết quả giải quyết đối với các vụ việc đã chuyển đơn trước đó.

Về thực hiện kiến nghị của UBTVQH tại các Báo cáo công tác dân nguyện kỳ trước, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 5 và tháng 6 năm 2002, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản  thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan tập trung giải quyết, trả lời các kiến nghị đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng và có văn bản thông tin kết quả thực hiện đến Ban Dân nguyện để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với kiến nghị cụ thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 05 kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Dân Dương Thanh Bình cũng chỉ rõ việc thực hiện công tác dân nguyện còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc tổng hợp, báo cáo của một số cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội còn chậm làm ảnh hưởng đến công tác tổng hợp chung; Nội dung báo cáo chưa phản ánh được những vấn đề cử tri quan tâm, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương…

Từ những tồn tại nêu trên, Trưởng Ban Dân nguyện kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tiếp tục đổi mới, linh hoạt hơn về phương thức tiếp xúc, thu thập ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân tại địa phương; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo và các cơ quan có liên quan ở địa phương để thu thập những vấn đề cử tri quan tâm và định kỳ hằng tháng báo cáo tại Báo cáo về công tác dân nguyện.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH cần chủ động trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của công dân gửi đến; giải quyết, trả lời kịp thời ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc lĩnh vực phụ trách.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, thực hiện và chỉ đạo các Bộ, ngành thanh tra, kiểm tra và xử lý các cây xăng, cửa hàng bán lẻ xăng dầu nếu có vi phạm; có biện pháp quyết liệt hơn để xử lý các đối tượng lừa đảo, dụ dỗ lao động trái phép; có giải pháp căn bản giải quyết tình trạng ngập úng tại các đô thị và thành phố lớn hiện nay; chỉ đạo các trường đại học cần có lộ trình tăng học phí phù hợp, có chính sách hỗ trợ đối với những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn; chấn chỉnh tình trạng lạm thu vào đầu năm học…/.

Khôi Nguyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN