Đổi mới đánh giá trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018
(ĐCSVN) - Theo GS.TS Lê Anh Vinh, trong quá trình đổi mới sâu rộng của nền giáo dục Việt Nam, việc đổi mới đánh giá trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 là yêu cầu cấp thiết để phù hợp với những thay đổi về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và môi trường giáo dục.
Ngày 30/10, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học thường niên với chủ đề “Đổi mới đánh giá trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, giảng viên, nhà quản lý giáo dục và giáo viên trao đổi về các vấn đề liên quan đến đổi mới đánh giá trong giáo dục phổ thông. Đồng thời, nhằm chia sẻ các kết quả, hướng nghiên cứu; thúc đẩy và mở rộng hoạt động hợp tác giữa các nhóm, đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng xác định một số vấn đề lý luận, phương pháp và đổi mới trong đánh giá giáo dục; chia sẻ các bài học kinh nghiệm, những khó khăn, giải pháp và các vấn đề trong thực tiễn đánh giá học sinh khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TL. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia nhấn mạnh: Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, việc đổi mới kiểm tra đánh giá là một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường phổ thông. Đánh giá không chỉ đơn thuần là việc xác định kết quả học tập của học sinh, mà còn là một hoạt động dạy học quan trọng.
Việc cải tiến hoạt động đánh giá còn giúp tạo ra môi trường học tập tích cực hơn. Một hệ thống đánh giá linh hoạt và sáng tạo không chỉ khuyến khích học sinh tham gia tích cực vào quá trình học mà còn giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp giảng dạy để phù hợp hơn với từng đối tượng học sinh. Khi giáo viên nhận diện được các điểm mạnh và điểm yếu của học sinh, họ có thể thiết kế các hoạt động học tập phù hợp, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập”.
Theo GS Lê Anh Vinh, trong quá trình đổi mới sâu rộng của nền giáo dục Việt Nam, việc đổi mới đánh giá trong thực hiện chương trình GDPT năm 2018 là yêu cầu cấp thiết để phù hợp với những thay đổi về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và môi trường giáo dục.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TL. |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về các vấn đề quan trọng liên quan đến đổi mới đánh giá trong giáo dục phổ thông, đặc biệt trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT 2018 như: Những vấn đề chung về đổi mới đánh giá trong thực hiện Chương trình GDPT 2018; đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học; đổi mới đánh giá một số môn học và hoạt động giáo dục trong thực hiện Chương trình GDPT 2018; ứng dụng công nghệ trong kiểm tra, đánh giá; tầm quan trọng của việc đổi mới đánh giá trong thực hiện chương trình GDPT 2018. Trên cơ sở đó, đưa ra gợi mở, đặt ra những vấn đề nghiên cứu mới, góp phần vào đổi mới đánh giá trong trường phổ thông trong giai đoạn tiếp theo.../.