Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Độc đáo tục lệ đàn ông mặc váy mới được thổi sáo của người Giẻ Triêng

Thứ Năm, 12/10/2023 10:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Người Giẻ Triêng là một trong 54 dân tộc sinh sống tại Việt Nam, theo thống kê, ước tính có khoảng 50 nghìn người đang sinh sống tại nước ta. Họ chủ yếu tập trung ở một số tỉnh như Kon Tum, Quảng Nam. Đồng bào Giẻ Triêng có rất nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, thú vị như con trai đến tuổi sẽ ngủ nhà rông và cà răng. Con gái được chủ động trong việc tìm bạn đời và kết hôn,… Ngoài ra, có một số phong tục đặc sắc như khi thổi sáo, đàn ông bắt buộc phải mặc váy.

 Khi diễn tấu đinh tút, người đàn ông không được đóng khố mà phải mặc váy đóng giả làm phụ nữ bằng cách dùng một tấm thổ cẩm choàng kín từ vai xuống gót chân.

Người Giẻ Triêng giống như người Xơ Đăng, Ba Na, họ có nhà rông là nơi để mọi người trong buôn làng tụ hội, vui chơi, tổ chức buổi lễ quan trọng như xét xử, họp dân làng. Cuộc sống của họ rất phong phú, họ có trang phục riêng với nhiều loại hình khác nhau như váy, áo, khố, áo khoác, khăn, mũ, xà cạp… cùng nhiều họa tiết đẹp mắt. Lễ ma chay, cưới hỏi của họ được tổ chức dựa theo quan niệm của dân tộc, như sử dụng những bó củi làm sính lễ, củi ai đẹp, sẽ dễ dàng được người con gái đồng thuận hứa hôn.

Đặc biệt nhất, đó là nghệ thuật diễn xướng dân gian Giẻ Triêng khá phong phú với nhiều loại nhạc cụ khác nhau mà tiêu biểu là cồng chiêng và đinh tút. Đinh tút của người Giẻ Triêng gồm có sáu ống dài, ngắn và lớn nhỏ khác nhau được làm từ thân cây trúc. Các ống theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và từ dài đến ngắn nhất: Piđu, piđy, chel, chắk, rơn 1, rơn 2. Mỗi cây đinh tút có một lóng và được giữ nguyên một mắt, đầu rỗng được vót hai bên tạo cho ống có dáng hình phễu để thổi.

Người Giẻ Triêng rất thích thổi đinh tút, đây là loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, trong lao động sản xuất, khi mùa xuân về, và các dịp lễ hội của cộng đồng như: lễ lập làng, lễ mừng nhà mới, cưới hỏi..., đặc biệt nó luôn có mặt trong lễ hội Choóc đăil truyền thống, thường gọi là ngày hội đinh tút của người Giẻ Triêng. Nhưng khi thổi loại sáo này, người Giẻ Triêng phải tuân theo một quy định đó là đàn ông bắt buộc phải mặc váy.

 Mỗi bản nhạc, thường có một tốp, khoảng sáu - tám người đàn ông trở lên biểu diễn.

Khi thổi đinh tút đàn ông Giẻ Triêng dù già hay trẻ đều phải đóng giả làm phụ nữ. Họ không được mặc quần hay đóng khố như truyền thống, mà phải khoác một tấm đồ cho kín từ cổ xuống chân, giấu một tay vào bên trong, chỉ thò một tay ra cầm ống đinh tút để thổi. Điều này bắt nguồn từ tập tục xuất hiện từ thời xa xưa, được người Giẻ Triêng truyền lại các con cháu đời đời sau này, và luôn dặn dò phải nghiêm cẩn tuân theo.

Chuyện xưa kể rằng, theo quan niệm của người Giẻ Triêng từ thời sơ khai, khi ấy, nhạc cụ đã xuất hiện, nhưng vì âm điệu réo rắt, véo von, nên chỉ được dùng cho các dịp cúng lễ, không được sử dụng cho cuộc sống thường nhật. Đặc biệt, là lễ cúng lúa, gọi hồn lúa để đưa lúa từ trên trời về nương, hy vọng mùa màng bội thu, bà con trong làng có một năm no ấm, đủ đầy. Người Giẻ Triêng cho rằng, cây lúa thanh mảnh, e ấp như vậy, nữ thần lúa chắc chắn sẽ là một người con gái xinh đẹp, nhưng nhút nhát, rất dễ sợ hãi.

Cho nên, nếu thấy bóng dáng đàn ông, nàng sẽ hoảng sợ mà bỏ trốn về trời, không còn ai “thổi hồn” vào những cây lúa nữa. Như vậy, có nghĩa năm đó, bản làng sẽ mất mùa, người Giẻ Triêng sẽ có một năm đói kém. Chính vì nguyên cớ ấy, nên những người đàn ông khi thổi sáo, thường khoác lên mình trang phục của phụ nữ, để tránh khiến cho thần lúa sợ hãi bỏ trốn.

Cứ như vậy, thành thông lệ trong cuộc sống của người Giẻ Triêng, khi thổi sáo đinh tút, họ lại mặc váy. Mỗi bản nhạc, thường có một tốp, khoảng tám người đàn ông trở lên. Trong đó tám nghệ nhân thổi đinh tút tùy vào sở trường của từng người mà mỗi người phụ trách một ống, còn lại hai nghệ nhân hòa điệu cồng chiêng. Ðinh tút hay, hay dở là phụ thuộc vào người tạo ra nó, từ khâu chọn loại trúc đến việc thẩm âm là kinh nghiệm của nghệ nhân đó.

Tiếng sáo đinh tút vang lên, âm thanh bay bổng, cao vút trong không gian đại ngàn bao la, bên cạnh tiếng chiêng oai hung của đồng bào người Giẻ Triêng tạo nên một không gian mênh mông, huyền ảo. Phía xa xa, các cô gái đang mặc y phục dân tộc, nhẹ nhàng xoay người theo các điệu múa. Bà con trong bản làng tụ hội, hoan hỷ cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Bài, ảnh: QT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN