Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

Còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, các nghệ nhân, thợ giỏi làng gốm Bát Tràng đang tất bật hoàn thiện những sản phẩm gốm sứ để cung cấp ra thị trường Tết cuối năm.

Theo lịch phương Đông, năm Giáp Thìn là năm con Rồng, bởi vậy các đơn vị kinh doanh gốm sứ tại làng gốm Bát Tràng tập trung khai thác hình tượng linh vật Rồng đưa vào các sản phẩm gốm, sứ đón Tết cổ truyền.

Ông Phạm Việt Khoa làng Bát Tràng, có thâm niên gần 40 năm làm nghề gốm sứ cho biết, để tạo ra chiếc ấn gốm dát vàng độc đáo, 5 người thợ giỏi phải thay nhau chế tác từ khâu lên khuôn, tạo hình sản phẩm, hoàn thiện phần thô, tráng men, nung gốm rồi đến công đoạn vẽ vàng lên gốm.

“Bình quân, mỗi kíp thợ gốm Bát Tràng mất khoảng 10 tiếng làm việc không ngơi nghỉ mới làm ra được 4 - 5 sản phẩm ấn gốm vẽ vàng”, ông Khoa cho biết thêm.

Nhào đất sét, đổ khuôn, tạo mẫu - những công đoạn đầu tiên để chế tác ra ấn gốm Bát Tràng.

Chị Đào Thị Yến có kinh nghiệm làm gốm hơn 10 năm cho biết, trong các khâu chế tác sản phẩm, tạo hình từ đất sét là công đoạn quan trọng, đòi hỏi người thợ gốm phải có thẩm mỹ cao, khéo léo tạo hình, sao cho rồng phải thể hiện được thần thái sống động của một linh vật Việt Nam.

 Để thể hiện linh vật rồng uốn lượn, vẫn vũ, sống động, rồng được ghép khối từ các phần đầu, hai khúc thân giữa, chân và đuôi.
 Mỗi phần trên rồng đều được người thợ Bát Tràng tạo tác tinh tế, giàu tính mỹ thuật.
 Bằng những công cụ thô sơ, người thợ thủ công Bát Tràng thể hiện nét tài hoa qua từng chi tiết tinh tế...
Tóc rồng. 
 Rồng ngậm ngọc.
Chi tiết râu rồng.

Sau khi hoàn thiện khâu tạo hình bằng đất sét, ấn Rồng được người thợ mang đi nung trong lò ở nhiệt độ cao. Sau đó sản phẩm gốm sẽ được nghệ nhân dùng vàng pha dạng lỏng kỳ công vẽ từng đường nét lên rồng và thân ấn, tiếp đó đưa ấn tiếp tục nung từ 6 - 8 tiếng để đạt độ sang trọng, nổi bật cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Lực, người lên ý tưởng nghệ thuật và đặt hàng các nghệ nhân Bát Tràng thực hiện “Kỳ linh Giáp Thìn” cho biết, ấn gốm được lấy cảm hứng từ ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", thời vua Minh Mạng, triều Nguyễn, một bảo vật của Việt Nam. Hình tượng rồng trên ấn được khơi nguồn sáng tạo từ rồng thời Lê ngự tại Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long. Thông qua các hoạt động làng nghề lan tỏa những giá trị, nét đẹp của lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Được biết, với những phiên bản ấn Rồng đặc biệt có những yêu cầu thực hiện khắt khe như, đất sét phải lấy ở vùng đất thiêng tại Quảng Ninh, nhào nặn đất với nước sông Hồng, chế tác bằng đôi bàn tay của nghệ nhân tuổi Thìn...

 Trên thân ấn gốm dát vàng có đắp nổi hình ảnh cá chép hóa rồng và điêu khắc ba chữ

An - Thuận - Phát hình tượng cho sự an lành, thuận lợi và phát triển.

Siêu phẩm ấn Rồng thiêng của nghệ nhân làng gốm Bát Tràng sẵn sàng đón Tết.

Thế Dương
11/01/2024 14:58
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN