Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Doanh nghiệp Việt và bài toán trong quá trình hội nhập

Thứ Hai, 12/06/2017 16:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những năm gần đây, Chính phủ luôn tập trung hỗ trợ để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển và đóng góp cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, các đại biểu quốc hội cho rằng, doanh nghiệp Việt còn rất nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập quốc tế.

Nguy cơ "xâm lấn" từ các doanh nghiệp ngoại

Nhìn nhận từ góc độ thị trường, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, trong khi Quốc hội đang chuẩn bị thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì trên thương trường vẫn tiếp tục diễn ra một cách ồ ạt các thương vụ mua bán, sát nhập, thâu tóm, đặc biệt trong thị trường bán lẻ. Hiện tượng này đang gây ra nhiều nguy cơ cho khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể, tháng 4/2014, khi Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ với nhà đầu tư nước ngoài thì đã có 3 tập đoàn đặt chân vào đó là EON của Nhật Bản, Lotte của Hàn Quốc và Berli Jucker của Thái Lan. Chỉ trong 3 năm, khu vực FDI đã chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 17% qua trung tâm thương mại siêu thị, 50% thị phần bán lẻ trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn đang lấn sân vào cả khâu sản xuất.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân phát biểu tại Hội trường (Ảnh: KS)

“Sự kiện 22 cửa hàng Thế giới di động bị hất chân khỏi hệ thống BigC, doanh nghiệp Minh Long tuyên bố rút khỏi hệ thống Metro là một điển hình và đó chỉ là màn khởi đầu cho những lời cảnh báo. Chúng ta phải ngậm ngùi nhìn người Việt mua hàng ngoại và doanh nghiệp ngoại thì mua lại doanh nghiệp Việt. Một khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài thống trị thị trường thông qua hệ thống các kênh phân phối và bán lẻ thì chắc chắn sẽ tạo ra một hệ lụy các ngành sản xuất nội địa, cũng như rủi ro về giá cả cho người tiêu dùng”, ông Nhân nêu rõ.

Cũng theo ông Nhân, trong khi doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay tìm hướng đi cho mình thì việc mất thị trường vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài là một nguy cơ không khó để nhìn thấy. Đến lúc này người sản xuất trong nước hoặc chịu sự chi phối bởi luật chơi của doanh nghiệp nước ngoài hoặc phải chấp nhận liên doanh liên kết nếu không muốn phá sản.

Với những phân tích trên, ông Phạm Trọng Nhân thống nhất cao với nhóm giải pháp của Chính phủ liên quan đến phát triển thị trường trong nước và đề nghị cần phải nhanh chóng có những kế hoạch cụ thể hơn. Trước hết là tăng cường giám sát các hoạt động dưới góc độ chính sách đảm bảo thực hiện tốt các quy định có liên quan trên thị trường bán lẻ và cạnh tranh. Nhanh chóng đưa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và các giải pháp kiểm soát thị trường vào thực tế nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam chủ động cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Ngăn chặn kịp thời các hiện tượng vi phạm có nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường sản xuất và kinh doanh hoặc các chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh trong mua bán, sáp nhập hiện nay.

Ông Nhân khẳng định: “Đối với doanh nghiệp bán lẻ nội địa, bài học về câu chuyện sức mạnh của bó đũa còn nguyên giá trị. Bên cạnh việc đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng hóa của của doanh nghiệp nước ngoài thì sự liên doanh, liên kết, tạo sức mạnh nội lực là điều cần thiết và quan trọng trong cuộc chiến giành lại thị trường nội địa”.

Cần nhiều hỗ trợ từ Chính phủ hơn nữa

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 39.500 doanh nghiệp với vốn đăng ký 369,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và 48,9% về vốn so với cùng kỳ năm 2016. Đây là kết quả tốt, chứng tỏ việc cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng thẳng thắn nêu ra 2 vấn đề mà Chính phủ phải lưu ý. Trước hết, cùng với việc nhiều doanh nghiệp mới được thành lập hoặc hoạt động trở lại thì số doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động cũng có xu hướng tăng. Cụ thể, tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể là 31.457, bằng 79% số doanh nghiệp mới thành lập cùng kỳ.

Các doanh nghiệp Việt đang vấp phải nhiều khó khăn trong quá trình cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước
 (Ảnh: KS)

“Theo tôi, đây là một thực tế mà chúng ta cần đánh giá, nhìn nhận một cách đầy đủ và toàn diện để có các giải pháp thích hợp. Phải chăng hiện tượng này xuất phát từ sự trì trệ bảo thủ trong quá trình tạo lập môi trường kinh doanh và tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức chưa làm tròn trách nhiệm. Ở đây thái độ thờ ơ, thiếu thiện chí khi làm nhiệm vụ đang thách thức các nỗ lực của Chính phủ kiến tạo hành động”, ông Tô Văn Tám nhận xét.

Đại biểu Quốc hội đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần sớm có giải pháp thích hợp, kịp thời để xử lý tình trạng này, trong đó tập trung cải thiện cơ chế chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải tạo kênh thông tin để doanh nghiệp cập nhật về tình hình thị trường, thường xuyên đánh giá, dự báo nhu cầu trong nước và thế giới để hạn chế đầu tư tràn lan, cung vượt quá cầu.

“Tôi cho rằng, để ổn định nguồn thu cho ngân sách, Chính phủ không nên chỉ dựa vào việc khai thác tài nguyên. Thay thế vào đó phải chú trọng và tăng cường sản xuất bằng việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Kèm với đó là xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư”, ông Tô Văn Tám kiến nghị./.

Kim Sơn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN