Doanh nghiệp cần hiểu đầy đủ về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)
(ĐCSVN) - Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được Liên minh châu Âu (EU) ban hành với mục tiêu xử lý lượng phát thải khí nhà kính trong một số hàng hóa nhất định nhập khẩu vào EU. Từ ngày 01/10/2023, CBAM trước mắt áp dụng đối với 6 nhóm mặt hàng nhập khẩu gồm: Xi măng, điện, phân bón, sắt thép, nhôm và hydrogen.
Tọa đàm “Ứng phó hiệu quả với cơ chế CBAM: Vai trò của cơ quan đầu mối trong hỗ trợ doanh nghiệp” |
Tuy nhiên, thông tin tại Tọa đàm “Ứng phó hiệu quả với cơ chế CBAM: Vai trò của cơ quan đầu mối trong hỗ trợ doanh nghiệp” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 16/9 cho thấy, nhiều doanh nghiệp hiểu chưa đầy đủ về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), dẫn đến việc phản ứng và chuẩn bị áp dụng chưa có hiệu quả.
Theo bà Nguyễn Hồng Loan, Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM, từ ngày 01/01/2026, CBAM chính thức vận hành sẽ áp thuế carbon đối với các hàng hóa thuộc diện điều chỉnh khi xuất khẩu vào EU, dựa trên mức độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất. Song khảo sát của đơn vị cho thấy, nhận thức của doanh nghiệp về CBAM từ khi chưa áp dụng đến nay - ở giai đoạn chuyển tiếp về CBAM, chưa có chuyển biến nhiều.
Bên cạnh một số doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp đã có sự chuẩn bị nghiêm túc để ứng phó thì hầu hết doanh nghiệp chưa hiểu đầy đủ, chính xác về CBAM, dẫn đến những phản ứng, chuẩn bị chưa hiệu quả.
Ngày 24/8, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và triển khai các biện pháp hiệu quả ứng phó với cơ chế CBAM.
Về vấn đề này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, bên cạnh các công việc truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, ở phía bên ngoài, cơ quan này cũng đang có những phương án đấu tranh, đàm phán đa phương để các nước có phương án linh hoạt tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam.
Vấn đề đánh thuế carbon với hàng xuất khẩu luôn được cơ quan này nêu ra không chỉ trong khuôn khổ WTO mà còn trong các diễn đàn đa phương khác. Bởi thực tế, không chỉ Việt Nam mà nhiều thành viên WTO khác cũng quan ngại về CBAM, bao gồm cả các nước lớn như: Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ, Indonesia…
Trước mắt, Việt Nam đã có những hướng dẫn cho doanh nghiệp để thực hiện kiểm kê, đo đạc, báo cáo khí nhà kính. Đây là tiền đề giúp doanh nghiệp có lộ trình giảm phát thải, đáp ứng quy định quốc tế. Ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), khẳng định những hướng dẫn của Việt Nam đã tuân thủ tốt quy định kiểm soát phát thải khí nhà kính./.